Chàm sữa là bệnh lý về da gặp khá phổ biến ở trẻ nhỏ gây ra những tổn thương da kèm theo hiện tượng ngứa âm ỉ tới dữ dội trong suốt giai đoạn của bệnh. Bé bị chàm sữa bôi thuốc gì an toàn với làn da vốn mỏng manh của bé? Đây là câu hỏi được hầu hết cha mẹ quan tâm, đặc biệt trên thị trường hiện nay có vô số sản phẩm khác nhau. Những thông tin sau đây sẽ giúp phụ huynh giải đáp thắc mắc này nhằm tránh những sai lầm khi dùng thuốc trị chàm sữa cho bé yêu nhé.
Mục lục
Chàm sữa là gì?
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa, là bệnh chàm thể tạng thường gặp ở trẻ sơ sinh đến trẻ dưới 3 tuổi. Chàm sữa có đặc điểm là viêm da mạn tính, không lây và thường gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng hoặc trong gia đình có cơ địa dị ứng. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng, nhưng nếu không được điều trị sẽ gây ra các tổn thương sâu ở da.
Chàm sữa cũng giống như các bệnh lý dị ứng khác, có biểu hiện ngoài da, có tính cơ địa. Tức là có gene chi phối, có tính chất gia đình. Ở trên người có sẵn cơ địa dị ứng, khi gặp đúng tác nhân gây dị ứng đặc hiệu (ví dụ như bụi, lông súc vật, đồ ăn…) tình trạng dị ứng sẽ xảy ra với biểu hiện ngoài da hoặc ở nhiều cơ quan khác.
Đọc thêm: Làm sao để phân biệt được chàm chữa và mụn sữa ở trẻ?
Chàm sữa ở trẻ dùng thuốc gì?
Dùng thuốc là một trong những phương pháp phổ biến để điều trị chàm sữa ở trẻ. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể mang lại rủi ro hoặc tác dụng phụ đối với trẻ nhỏ. Bởi vậy, thuốc chỉ được dùng khi bệnh tiến triển sang giai đoạn bùng phát, khi triệu chứng giảm cần giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc. Sau đây là một số loại thuốc được dùng để điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Thuốc bôi chứa corticoid
Nhóm thuốc này thường được sử dụng khi bệnh ở giai đoạn cấp tính với các dấu hiệu như da đỏ, phù nề, nổi mụn nước, rỉ dịch và ngứa. Thuốc có tác dụng kháng dị ứng, giảm ngứa, chống viêm bằng cách ức chế miễn dịch ở vùng da điều trị. Nhóm thuốc này được xem là nhóm thuốc hiệu quả nhất giúp kiểm soát và phòng ngừa bệnh chàm sữa cũng như các bệnh lý về da khác như viêm da dị ứng, vảy nến, tổ đỉa, viêm da tiết bã…
Chàm sữa ở trẻ thường gây tổn thương chủ yếu ở vùng da mặt cũng như các khu vực da khác có chứa nếp gấp. Đây là những vùng da có khả năng cao hấp thu corticoid vào máu và phát sinh ra một số dấu hiệu toàn thân. Bởi vậy, khi sử dụng nhóm thuốc này cho bé cần theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý mua thuốc về sử dụng cho bé yêu các mẹ nhé.
Các loại thuốc bôi có chứa corticoid dùng cho trẻ nhỏ chủ yếu là corticoid có nồng độ thấp và hoạt tính nhẹ. Khi sử dụng nhóm thuốc này cho bé chỉ nên sử dụng với tần suất ngày 2 lần. Mỗi lần bôi chỉ thoa một lớp mỏng lên da, không nên dùng băng kín hoặc che đậy. Thời gian sử dụng thuốc có chứa corticoid không nên quá 7 – 10 ngày.
Thuốc kháng histamine H1
Thuốc kháng histamine H1 dùng cho trẻ từ tuổi trở lên. Thuốc có tác dụng chống ngứa bằng cách đối kháng với histamine ở thụ thể H1. Thực tế, sử dụng nhóm thuốc kháng histamine H1 cho bé cần phải được cân nhắc thật kỹ lượng. Chúng chỉ được sử dụng ki bé bị ngứa nhiều gây khó ngủ, ăn uống kém, trẻ khó chịu và bứt rứt. Do không có tác dụng đối với những tổn thương lâm sàng nên nhóm thuốc này thường dùng trong một thời gian ngắn. Nếu trẻ bị chàm sữa gây ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine H1 dạng siro.
Cha mẹ cần lưu ý, các loại thuốc thuộc nhóm kháng histamine H1 có thể gây ra một số tác dụng phụ như lơ mơ, ngủ gà, táo bón, miệng khô…trong thời gian sử dụng thuốc.
Thuốc ức chế calcineurin
Nhóm thuốc này thường dùng cho bé trên 2 tuổi. Đây là nhóm thuốc dạng bôi được sử dụng khá phổ biến trong thời gian điều trị chàm và một số bệnh lý da liễu gây viêm mãn tính. Thuốc có tác dụng chống viêm khá tốt, chỉ đứng sau corticoid. Với những ưu điểm như độ an toàn cao, tác dụng phụ ít nên dùng được lâu dài. Những vùng da mỏng cũng có thể sử dụng được nên thuốc ức chế calcineurin được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Nhóm thuốc này dạng bôi hoạt động bằng cách điều hòa miễn dịch tại chỗ. Nhóm thuốc này ức chế các chất dẫn truyền phụ thuộc kênh calci ở tế bào T. Từ đó, giúp ngăn chặn tổng hợp và sao chép các yếu tố gây viêm cũng như tiền viêm. Cơ chế tác động đó giúp giảm nhẹ triệu chứng thực thể cũng như cơ năng của bệnh chàm sữa.
Đối với trẻ trên 2 tuổi bị chàm sữa, bác sĩ có thể chỉ định dùng Pimecrolimus 1% hoặc Tacrolimus 0.03%. Thuốc được sử dụng xen kẽ với corticoid nhằm phòng ngừa các biến chứng cũng như rủi ro do corticoid dài ngày gây giãn mao mạch, teo da, nổi mụn trứng cá đỏ, nguy cơ bội nhiễm…
Nhóm ức chế calcineurin thường được sử dụng xen kẽ với corticoid.
Tuy được đánh giá an toàn hơn so với corticoid nhưng nhóm thuốc này vẫn có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn như đau, phù nề, ban đỏ, kích ứng, nóng rát…ở vùng da dùng thuốc. Một số bé cũng có thể gặp phải tác dụng nghiêm trọng hơn như rát bỏng, nổi mụn trứng cá và rosacea.
Thuốc bôi chứa oxyd kẽm
Tác dụng chính của kẽm oxyd là sát khuẩn nhẹ và giúp săn da. Nhóm thuốc này được dùng khi bệnh ở giai đoạn bán cấp và mãn tính nhằm ngăn ngừa bội nhiễm, giảm ngứa nhẹ và làm mềm da. Nhóm thuốc này có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng cho bé với tần suất 2 – 3 lần/ngày. Ngoài hiệu quả hỗ trợ điều trị chàm, kẽm oxyd còn được sử dụng trong một số bệnh da liễu như vảy nến, trứng cá, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng…
Trong trường hợp da bé bị tổn thương do chàm sữa hay có hiện tượng nhiễm khuẩn hay tổn thương trên da đang ẩm ướt, rỉ dịch không nên sử dụng nhóm thuốc này. Nhóm thuốc này gần như không gây ra tác dụng phụ khi sử dụng cho trẻ nên khá an toàn.
Thuốc kháng sinh
Khi trẻ bị chàm sữa bội nhiễm với các dấu hiệu như da đỏ rát, đau nhức, phù nề, chảy dịch nhiều và nổi mụn mủ. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc dạng bôi hay uống tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn của bé. Cha mẹ cần lưu ý, nhóm thuốc này dễ gây ra tác dụng phụ nên chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc kháng sinh thường được dùng kéo dài từ 7 – 10 ngày nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Trong thời gian dùng thuộc cần chú ý tới các biểu hiện bất thường của bé. Hãy thông báo ngay với bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
Các loại thuốc khác
Bên cạnh những nhóm thuốc trên, khi trẻ bị chàm chữa cha mẹ cũng có thể sử dụng một số loại thuốc khác để cải thiện tình trạng bệnh cho bé như:
Ở giai đoạn cấp tính cha mẹ có thể sử dụng các loại thuốc sát khuẩn dạng dung dịch như hồ nước, thuốc tím…
Thuốc sát khuẩn nhẹ: Khi da bé đang bị tổn thương cấp với các dấu hiệu như viêm đỏ, rỉ dịch nhiều có thể dùng hồ nước hoặc thuốc tím 0.001% nhằm loại bỏ dịch tiết, sát trùng đồng thời ngăn ngừa viêm nhiễm. Khi bệnh ở giai đoạn cấp không nên sử dụng thuốc dạng dung dịch để các tổn thương da nhanh khô hơn. Không nên sử dụng thuốc mỡ sẽ khiến da rỉ dịch nhiều hơn, lâu lành và có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao hơn.
Thuốc tím giúp sát khuẩn nhẹ khi bé da bé đang bị tổn thương cấp.
Thuốc bạt sừng: Khi những tổn thương trên da bé khô lại và có hiện tượng dày sừng, cha mẹ nên sử dụng thuốc bạt sừng (acid salicylic) phối hợp corticoid nhằm mục đích loại bỏ vảy bong, giảm dày sừng và thâm nhiễm. Tuy nhiên, cả corticoid và acid salicylic đều có thể hấp thu toàn thân khiến bé gặp nhiều rủi ro cũng như phản ứng bất lợi. Bởi vậy, cha mẹ chỉ nên sử dụng thuốc này cho bé khi có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý: Các loại thuốc bôi hay uống nhằm trị chàm sữa ở trẻ đều được sử dụng trong thời gian ngắn. Bởi làn da của bé vô cùng mỏng manh và nhạy cảm nên hấp thu thuốc cao hơn so với người lớn. Trong quá trình dùng thuốc, cha mẹ cần theo dõi các biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường cần thông báo với bác sĩ ngay để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Một số loại bôi hỗ trợ trị chàm sữa cho bé
Các loại kem bôi thường được khuyến khích sử dụng lâu dài khi trị chàm sữa cho bé. Các loại kem bôi có tác dụng giảm khô da, nứt nẻ, giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa tái phát. Kem bôi thường được chỉ định ở giai đoạn bệnh bùng phát mạnh và cả giai đoạn bệnh ổn định nhằm giảm thương tổn da. Dưới đây là một số loại kem bôi hỗ trợ điều trị chàm sữa ở trẻ được sử dụng phổ biến:
Kem bôi Dexeryl: Sản xuất bởi thương hiệu Laboratoires Pierre Fabre của Pháp. Nhờ công thức lành tính, an toàn cho làn da của bé nên sản phẩm được sử dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia hiện nay.
Kem hỗ trợ giảm chàm A Derma Exomega Cream: Sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất bởi thương hiệu dược mỹ phẩm Aderma của Pháp. Không chỉ cải thiện chàm sữa ở trẻ, loại kem này còn được dùng trong những trường hợp da khô, á sừng, bong tróc do cơ địa, thời tiết thay đổi.
Kem bôi giảm ngứa do chàm sữa Lipikar Baume AP+: Kem bôi được nghiên cứu và sản xuất bởi thương hiệu dược mỹ phẩm Laroche Posay tại Pháp. Sản phẩm có chứa công thức an toàn, không hương liệu và chất bảo quản nên có thể dùng cho cả vùng da mặt và toàn thân.
Kem hỗ trợ trị chàm sữa Eubos: Được sản xuất bởi thương hiệu cùng tên tại nước Đức. Đây là sản phẩm được nghiên cứu dành riêng cho đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị chàm sữa, da khô, rát đỏ và kích ứng do dị ứng thời tiết.
Baby Eczema Relief Body Cream: Được sản xuất bởi thương hiệu dược mỹ phẩm Eucerin tại nước Đức. Sản phẩm có công thức lành tính với chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên giúp dịu da, chống viêm và giảm ngứa hiệu quả.
Thông tin hữu ích:
- Hướng dẫn mẹ trị chàm sữa cho bé bằng rau sam.
- Bị chàm sữa bôi dầu dừa có tốt không?
- Các mẹo dân gian trị chàm sữa cho bé yêu
Lưu ý khi dùng thuốc trị chàm sữa cho bé
Khi sử dụng thuốc hay kem bôi nhằm cải thiện triệu chứng chàm sữa ở trẻ cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Sử dụng thuốc cho bé cần theo chỉ định của bác sĩ.
- Cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn in trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cha mẹ không được tự ý tăng, giảm liều lượng hay dừng đột ngột đặc biệt là corticoid.
- Trẻ em sử dụng thuốc thường gặp phải tác dụng phụ cao hơn so với người lớn. Bởi vậy trong thời gian điều trị, cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ. Nếu có các biểu hiện bất thường cần thông báo với bác sĩ ngay.
- Các loại thuốc uống và thuốc bôi chỉ được dùng trong thời gian ngắn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi lạm dụng thuốc quá mức có thể gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe của bé.
- Chàm sữa ở trẻ có tính chất dai dẳng và dễ tái phát khiến bé rất khó chịu. Ngoài dùng thuốc/kem cha mẹ cần cách ly trẻ khỏi các yếu tố gây kích ứng, dị ứng. Nên cho trẻ bú mẹ, ăn uống kết hợp nghỉ ngơi điều nhằm nâng cao sức khỏe.
Bài viết trên đây đã tổng hợp một số loại thuốc dùng điều trị chàm sữa ở trẻ. Hi vọng những thông tin trên đây giúp cha mẹ biết cách dùng thuốc cho bé, tránh trường hợp tự ý sử dụng thuốc trị chàm sữa khiến trẻ gặp phải tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm.