Hệ hô hấp còn non yếu nên trẻ rất dễ bị ho mỗi khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Bé thường gặp phải một số tình trạng ho như ho khan, ho có đờm, ho kèm sổ mũi và nôn nhiều, ho nhiều ngày không khỏi, ho nhiều về đêm làm cho bố mẹ rất lo lắng. Vậy khi bé bị ho, phải làm sao để bé mau hết ho và nhanh hồi phục, bố mẹ cùng tìm hiểu nhé.
Mục lục
Nguyên nhân khiến bé bị ho
Ho là một phản xạ của cơ thể trước các chất dịch, đờm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào hệ hô hấp như thức ăn, bụi… nhằm tống chúng ra ngoài. Những nguyên nhân thường gặp khiến bé bị ho bao gồm:
Do viêm đường hô hấp trên
Các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, cảm lạnh… có thể khiến bé bị ho kéo dài từ 5-7 ngày và chủ yếu là do virus. Mức độ ho từ nhẹ đến trung bình nếu bị nhiễm cảm lạnh và ho nghiêm trọng hơn nếu bị cúm. Các cơn ho thường là ho khan, hoặc ho có đờm do dịch tiết chạy từ xoang hoặc mũi sau.
Do viêm đường hô hấp dưới
Những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới thường nghiêm trọng hơn, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Cơn ho xuất phát từ hệ hô hấp dưới thường là do các bệnh như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen…
Một số nguyên nhân khác
Ngoài ra, bé bị ho do một số nguyên nhân khác như trào ngược dạ dày, dị ứng, các tác nhân vật lý như hóc dị vật hoặc các tác nhân hóa học như hít phải khói thuốc từ người lớn.
Các loại ho thường gặp ở trẻ nhỏ
Phân biệt được các loại ho thường gặp ở trẻ nhỏ giúp cha mẹ hiểu được tình trạng sức khỏe của bé và những biện pháp xử trí khi bé bị ho. Dưới đây là những loại ho thường gặp ở trẻ nhỏ mà cha mẹ cần lưu tâm.
Ho có đờm
Đờm là loại chất dịch tiết ra ở đường hô hấp dưới của bé bao gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ và các chất độc hại xâm nhập cơ thể. Đờm mắc ở cổ họng khiến bé bị ngứa họng và bị ho. Vì thế, các cơn ho có đờm thực chất là để loại bỏ chất dịch nhầy này ra khỏi cơ thể.
Bé bị ho có đờm thường ho nhiều về đêm vì đây là khoảng thời gian mà dịch nhầy tập trung nhiều ở vùng sau cổ nhất. Màu sắc của đờm mà bé tống ra ngoài phụ thuộc vào thể trạng của bé và có 3 loại:
- Trắng trong hoặc trắng đục
- Màu vàng xanh lá hoặc màu vàng
- Màu đỏ hoặc màu nâu
Nhìn vào màu sắc của đờm,bác sĩ các có thể tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng ho này. Các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới như viêm phế quản, hen suyễn hay viêm tiểu phế quản là những nguyên nhân chính khiến bé ho có đờm.
Khi bé bị ho có đờm, bố mẹ sẽ thấy bé có một số triệu chứng như:
- Tiếng ho khàn đục và có đờm xuất ra bên ngoài sau khi ho
- Bé bị sổ mũi, sụt sịt, khi thở miệng tạo ra tiếng, thở rít và chủ yếu thở bằng miệng
- Bé khó thở và thường quấy khóc, khó chịu, nhăn mặt khi thở, cơ thể xanh
Ho khan từng cơn
Ho khan ở trẻ nhỏ là tình trạng ho không tiết ra đờm hoặc chất nhầy. Bé bị ho khan sẽ không ho ra đờm, nên lúc này bé có thể cảm thấy ngứa họng khiến cơn ho không kiểm soát được và có xu hướng kéo dài.
Nguyên nhân gây ra ho khan từng cơn ở trẻ bắt nguồn từ các bệnh viêm dường hô hấp trên. Đôi khi, đó cũng là dấu hiệu sớm của các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Ngoài ra, bé cũng có thể bị ho khan do hít phải khói thuốc lá từ người lớn.
Ho gà
Triệu chứng của bé bị ho gà tương tự như các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, tuy nhiên các cơn ho càng lúc càng nặng hơn, nhất là vào ban đêm. Khi bé ho gà, âm thanh phát ra nghe giống tiếng rít. Các cơn ho gà làm cho bé khó thở và mặt dễ bị tím tái do thiếu oxy.
Bé bị ho phải làm sao?
Trị ho cho bé bằng thuốc Tây y
Các biện pháp Tây y tuy có hiệu quả nhanh chóng nhưng bố mẹ cần đặc biệt chú ý và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho bé. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi kho Hoa Kỳ (AAP), đối với trẻ dưới 6 tuổi, bố mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, bố mẹ có thể mua thuốc ho cho bé tại các nhà thuốc với sự hướng dẫn của dược sĩ đứng quầy, lưu ý liều lượng thuốc phù hợp với đọ tuổi của trẻ. Mỗi loại thuốc thường có nhiều thành phần và hoạt chất khác nhau, đôi khi bố mẹ có thể vô tình cho trẻ dùng một hoạt chất nào đó quá liều lượng và gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, bố mẹ không nên cho trẻ dùng nhiều hơn 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm.
Acetylcysteine và Carbocistein là 2 loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bé bé rối loạn hô hấp, ho đờm, ho khan, đau rát họng.
Acetylcysteine được đóng gói dưới dạng bột và viên nang. Trong khi đó, Carbocistein được điều chế ở dạng siro và viên nén.
Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng của bé. Trẻ bị hen suyễn không được sử dụng 2 loại thuốc này.
Chỉ định: Dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Ngoài ra, bố mẹ cho bé sử dụng các loại thuốc ho dạng siro hoặc viên ngậm mua tại các nhà thuốc dưới sự hướng dẫn của các dược sĩ đứng quầy.
Xem thêm: Bé bị ho do dị ứng thời tiết nên uống thuốc gì?
Chữa ho cho bé bằng các phương pháp dân gian
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc Tây y để điều trị ho, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp bé giảm ho tại nhà bằng các phương pháp dân gian như:
Cây xương sông:
Búp lá non của cây xương sông không chỉ có tác dụng chữa ho mà còn chữa khản tiếng do viêm thanh quản. Lá xương sông có thể kết hợp cùng lá hẹ: rửa sạch, thái nhỏ, trộn với đường và hấp cách thủy cho trẻ uống hàng ngày.
Củ nghệ tươi:
Bố mẹ đem giã nhỏ, thêm nước lọc và 5g đường phèn đem chưng cách thủy 10 phút. Cho bé uống ngày 3 lần/ngày, mỗi lần 1/2 thìa cà phê cho đến khi khỏi bệnh.
Quất xanh:
Đem 2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên vỏ và hạt hấp cách thủy cùng với đường phèn. Bố mẹ dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội và cho bé uống nhiều lần trong ngày.
Lê + đường + xuyên bối:
Chọn trái lê to, bỏ vỏ, cắt nắp, khoét bỏ lõi. Bỏ vào trong lê 2-3 cục đường phèn nhỏ cùng 5-6 hạt xuyên bối (mua ở quầy thuốc Đông y). Cho lê vào hấp cách thủy 30 phút. Bố mẹ cho bé ăn ngày 2 lần, có tác dụng chữa ho, viêm phổi, tiêu đờm
Lá hẹ và đường phèn:
Đem hấp cách thủy 5-10 lá hẹ cùng một ít đường phèn. Sau đó, lấy phần nước cho bé uống, 2-3 lần một ngày. Mỗi lần uống 2-3 thìa
Đu đủ chín: Đu đủ chín cây, gọt bỏ vỏ rồi cho 100ml mật ong vào. Sau đó, bố mẹ đun lên cho bé ăn. Bài thuốc này để chữa ho không có đờm.
Đọc thêm: Các loại cháo mẹ nên cho bé ăn khi bé bị ho
Chăm sóc cho bé bị ho tại nhà
Khi bé bị ho, bố mẹ có thể chăm sóc bé như sau để mau khỏi bệnh:
- Bố mẹ cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn thay vì chạy nhảy để tránh mất sức. Trong trường hợp, bé bị ho nhiều, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi để phòng bé bị khó thở, thở nhanh, mặt mày tím tái thì cần đưa đến bệnh viện kịp thời.
- Tăng cường sức đề kháng cho bé bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều nước và điện giải cho bé.
- Tắm hơi hoặc tắm bằng nước ấm có thể giúp làm giảm cơn ho cho bé. Bố mẹ nên ngồi cùng bé trong phòng tắm, sử dụng hơi ấm hoặc nước nóng. Không khí ấm và hơi nóng từ nước giúp làm thư giãn đường ho hấp của bé.
- Với bé hơn 1 tuổi, bố mẹ có thể pha một ly nước ấm với mật ong và chanh cho bé. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 1 tuổi, bố mẹ tuyệt đối không cho bé dùng mật ong, vì hệ cơ quan chưa hoàn thiện sẽ khiến bé bị ngộ độc mật ong, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
- Về chế độ dinh dưỡng, khi bé bị ho, bố mẹ cần cho bé ăn những món nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa…đảm bảo 4 nhóm gồm tinh bột, chất béo, chất đạm, rau xanh và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của bé. Bên cạnh đó, việc tăng cức sức đề kháng vào lúc này cho bé là vô cùng quan trọng để chống bệnh, bố mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu vitamin A, kẽm và sắt như thịt bò, gà, trứng, rau có mà xanh đỏ.
- Về cách cho trẻ ăn, do trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều dịch đờm nhớt, trước khi cho bé ăn bố mẹ nên cho uống vài thìa nước nhỏ, sau đó cho bé nằm sấp rồi vỗ vỗ lưng để đờm không còn đọng lại ở cổ bé. Điều này giúp bé đỡ ho và đỡ nôn hơn. Bố mẹ nên cho bé ăn nhiều bữa trong ngày.
- Ngoài ra, bố mẹ cũng cần cho bé tiêm chủng đầy đủ giúp bé phòng ngừa ho do các bệnh lý như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đa phần các triệu chứng khi bé bị ho dần sẽ tự khỏi khi được giữ ấm và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức khi có các triệu chứng sau đây:
- Ho kèm khò khè, khó thở, tím tái, rối loạn tri giác, ho tăng dần, kéo dài
- Ho kèm theo nôn chớ
- Khi ho mặt mũi tái nhợt, môi thâm tím
- Chảy nước dãi thường xuyên, khó nuốt
- Trẻ cảm thấy có dị vật trong họng
- Đau ngực khi thở sâu
- Bé sốt cao trên 40 độ C, không cải thiện trong vòng 2 giờ sau khi dùng thuốc hạ sốt
- Bé nhũ nhi bú kém hoặc bỏ bú
Cần lưu ý điều gì khi bé bị ho?
Khi chăm sóc bé bị ho, bố mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Có thể sử dụng kẹo ngậm hoặc thuốc ho để giảm đau họng cho bé. Lưu ý, chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh với trẻ từ 4 tuổi trở lên.
- Bố mẹ không cho trẻ em tuổi hoặc nhỏ hơn dùng các loại thuốc ho có chứa mật ong.
- Tốt nhất, bố mẹ nên cho trẻ ăn ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ và chia nhỏ bữa ăn. Nếu tình trạng ho của trẻ không thuyên giảm, bố mẹ nên đưa trẻ đi bác sĩ để điều trị kịp thời.
- Chế độ ăn của trẻ cần hạn chế những thực phẩm không tốt cho bệnh ho như: bạc hà, chocolate, đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các loại đồ uống có ga…
- Xem thêm: Bé sơ sinh bị ho có nên tắm không?
Ho là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Chắc hẳn mỗi khi bé bị ho khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng. Hiểu rõ nguyên nhân và loại bệnh ho mà bé gặp phải giúp bố mẹ có phương pháp chăm sóc bé bị ho đúng cách, hiệu quả, bé mau chóng khỏi bệnh.