Mẩn đỏ ở cổ là biểu hiện khá phổ biến ở trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng lành tính và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Biết được chính xác đâu là nguyên căn dẫn đến tình trạng bé bị mẩn đỏ ở cổ sẽ giúp mẹ có được phương pháp can thiệp phù hợp. Dưới đây là những nguyên nhân khiến bé bị mẩn đỏ ở cổ và cách điều trị, mời bạn cùng đón đọc.
Mục lục
Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Làn da của bé rất mỏng manh và nhạy cảm nên khó tránh khỏi tổn thương khi gặp phải những tác nhân gây hại từ bên ngoài. Thông thường, các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng bé bị mẩn đỏ ở cổ bao gồm:
Dị ứng thời tiết
Khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là thời điểm giao mùa sẽ, nhiều bé dễ bị dị ứng da. Biểu hiện cụ thể là người bé thường xuất hiện những nốt mẩn đỏ, sần ngứa, nổi mề đay gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.
Đặc biệt, khi sang mùa nóng ẩm, nếu trẻ mặc áo cao cổ hoặc cổ áo cứng cũng có thể khiến cho vị trí cổ bị nổi mẩn đỏ. Ban đầu, cổ bé chỉ xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ hồng và sau đó các nốt đó có thể sưng lên.
Bé bị mẩn đỏ ở cổ do dị ứng thời tiết có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc nhưng cha mẹ cần có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Do trẻ mắc các bệnh lý về da
+) Bé nổi mẩn đỏ ở cổ do rôm sảy: Rôm sảy thường xuất hiện vào những ngày hè nắng nóng. Bởi vì, vào mùa hè, cơ thể bé thường tiết ra nhiều mồ hôi gây tắc nghẽn lỗ chân lông và từ đó xuất hiện tình trạng nổi mẩn trên da ở các vùng cổ, lưng, bụng, mặt. Khi bị rôm sảy các nốt mẩn đỏ li ti sẽ xuất hiện và ở đầu mụn có thể kèm theo chất lỏng. Trẻ sẽ bị ngứa ngáy nhiều ở vùng nổi mẩn.
+) Bé bị mẩn đỏ ở cổ do bệnh chàm sữa: Chàm sữa là tình trạng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện của tình trạng này là cơ thể bé xuất hiện các nốt mẩn đỏ li ti và xuất hiện nhiều nhất ở vùng cổ, mặt, ngực, chân và tay. Nếu ở nốt mẩn đỏ có mủ vàng hoặc trắng thì bệnh đã phát triển nặng. Tuy nhiên, bé bị chàm sữa sẽ thường tự khỏi trong thời gian ngắn và mẹ chỉ cần chăm sóc và vệ sinh cho con sạch sẽ mỗi ngày.
+) Bé bị hăm da ở cổ: Hăm da là biểu hiện thường gặp ở vùng bẹn, nách, cổ… nơi mà có nếp gấp, cọ xát nhiều, nhiều mồ hôi mà không được vệ sinh thường xuyên. Khi bị hăm da, các nốt mẩn đỏ xuất hiện kèm theo ở đầu mụn có nước. Nếu mẹ không xử lý kịp thời, hăm da có thể gây tổn thương hoặc lở loét ở vùng cổ. (Xem thêm: Làm sao giúp con nhanh khỏi hăm cổ?)
+) Viêm da tiết bã: Viêm da tiết bã nhờn xảy ra khi trẻ bị rối loạn tuyến bã nhờn và nấm Malassezia furfur. Biểu hiện điển hình của bệnh lý này là xuất hiện những nốt mẩn đỏ ở đầu, mặt và cổ nhưng không gây ngứa ngáy hay bất kỳ khó chịu nào cho bé. Sau một thời gian, những nốt mẩn đỏ sẽ tạo thành vảy và bong tróc.
+) Bé bị sốt phát ban: Sốt phát ban thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở toàn thân. Tuy nhiên, các nốt mẩn đỏ này sẽ tự nặn khi trẻ hết sốt.
Do gặp phải các tác nhân gây kích ứng da
+) Sữa, nước bọt hoặc nước từ đồ ăn chảy xuống cổ mà không được vệ sinh sạch sẽ: Khi bé ăn, vô tình làm sữa, nước chảy xuống cổ mà không được để ý vệ sinh sạch sẽ chúng sẽ đọng ở vùng nếp gấp của cổ gây kích ứng da. Từ đó, sẽ xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở cổ khiến cho bé gặp phải tình trạng ngứa ngáy khó chịu.
+) Bé bị dị ứng với mỹ phẩm, hóa chất: Một số thành phần trong dầu gội đầu hoặc sữa tắm… có thể khiến cho bé bị dị ứng và kích ứng da. Khi bị kích ứng, cơ thể bé thường xuất hiện những nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy.
Bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ có nguy hiểm không?
Thường thì các nốt mẩn đỏ ở cổ của trẻ có thể tự phục hồi sau thời gian ngắn nếu như cha mẹ chú ý vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Tuy nhiên, nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì các nốt mẩn đỏ có thể phát triển nghiên trọng và diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Từ đó, có thể khiến cho vùng da ở cổ bị tổn thương, nhiễm trùng và nhiễm khuẩn.
Do đó, khi thấy bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ, cha mẹ không nên chủ quan mà cần có biện pháp can thiệp phù hợp. Và đặc biệt, nếu bé có thêm bất kỳ biểu hiện kèm theo như tiêu chảy, sốt cao liên tục, ngứa ngáy dữ dội, chán ăn… thì mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác nhất.
Mẹ nên làm gì khi bé bị mẩn đỏ ở cổ?
Để tránh tình trạng các nốt mẩn đỏ tiến triển nặng gây viêm nhiễm, mưng mủ ở vùng cổ, mẹ cần có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp cho bé. Khi điều trị tình trạng nổi mẩn đỏ ở cổ cho bé mẹ cần áp dụng 5 nguyên tắc sau:
Giữ vùng da cổ của bé luôn sạch sẽ, khô mát
Khi vệ sinh cho bé, cha mẹ cần lưu ý vệ sinh kỹ vùng cổ, nách và bẹn. Đặc biệt là khi trời nắng nóng cần thường xuyên lau cổ cho bé để tránh tình trạng tích tụ mồ hôi hoặc ẩm ướt kéo dài. Khi trẻ bị nôn, trớ mẹ cần lấy khăn mềm lau nhẹ nhàng vùng cổ để tránh bị đọng nước ở các nếp gấp cổ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cho trẻ ở sinh hoạt ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, tránh cho bé mặc áo vải cứng, cao cổ làm cọ xát vào vùng bị nổi mẩn đỏ.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng
Ngoài việc chú ý lựa chọn những sản phẩm sữa tắm gội phù hợp với làn da bé, mẹ cũng nên chú ý không giặt quần áo bằng sản phẩm có những hóa chất có thể gây kích ứng da và dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ ở khắp người của trẻ.
Đặc biệt, mẹ cũng nên cho bé tránh xa các món ăn có nguy cơ cao gây dị ứng như: trứng, hải sản, thịt bò… Thay vào đó, mẹ nên cho bé ăn nhiều thực phẩm thanh nhiệt, uống nhiều nước để thanh nhiệt giải độc cho cơ thể.
Sử dụng mẹo dân gian
Để trị các nốt nổi mẩn cho trẻ, dân gian thường sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên rất an toàn và không gây kích ứng da cho trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo một số cách làm dân gian trị mẩn đỏ ở cổ cho bé dưới đây:
- Tắm nước lá: Một số loại lá như tía tô, kinh giới, trầu không, lá khế… có tác dụng làm mát, diệt khuẩn, chống viêm và giảm ngứa cho da. Vì thế, bạn có thể lựa chọn sử dụng một trong những loại lá này để đun nước tắm cho con. Khi tắm cho bé mẹ có thể thêm vài hạt muối vào nước để tăng thêm hiệu quả sát khuẩn da cho bé. (Đọc thêm: Hướng dẫn tắm lá đúng cách cho bé, trị các bệnh ngoài da)
- Sử dụng nha đam: Nha đam là nguyên liệu rất nổi tiếng với công dụng làm mát da và dịu nhẹ những vùng tổn thương trên da hiệu quả. Mẹ chỉ cần sử dụng phần gel nha đam thoa trực tiếp lên vùng cổ bị nổi mẩn và để yên trong 15 phút rồi lau sạch lại bằng nước ấm. Gel nha đam sẽ nhanh chóng làm dịu các nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy ở trẻ.
- Tiến hành chườm lạnh: Với phương pháp này, mẹ chỉ cần sử dụng túi chườm lạnh hoặc cho đá vào tấm vải mỏng và sạch trực tiếp chườm nhẹ nhàng lên cổ bé. Hơi lạnh sẽ giúp giảm nhanh các cơn ngứa. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này mẹ chỉ nên chườm trong khoảng 2-3 phút để bảo vệ bé khỏi bị nhiễm lạnh.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt của trẻ
- Luôn vệ sinh tay chân cho bé sạch sẽ, loại bỏ một số thói quen xấu như: mút tay, ngậm đồ chơi… rồi bôi lên cơ thể.
- Để tránh bị viêm nhiễm da vùng cổ, mẹ không để trẻ gãi vào vùng da tổn thương.
- Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh mỗi ngày. Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng cho trẻ. Mẹ nên bổ sung vào thực đơn mỗi ngày cho bé những nhóm thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, không nên cho trẻ ăn quá nhiều đạm, chất béo.
- Lựa chọn cho bé những bộ đồ rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Tránh cho bé mặc đồ quá bó, quá chật làm cọ xát vào vùng da tổn thương.
Sử dụng thuốc Tây nếu cần thiết
Nếu bé bị mẩn đỏ ở cổ trong thời gian dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho bé bao gồm:
- Các loại kem dưỡng da giúp dưỡng ẩm và phục hồi làn da cho bé.
- Thuốc Corticoid dạng bôi có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn.
- Thuốc kháng Histamine (H1).
- Thuốc bôi có chứa Menthol.
Tuy nhiên, mẹ chỉ nên sử dụng thuốc cho bé nếu thực sự cần thiết và trong quá trình sử dụng, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Sử dụng thuốc theo toa bác sĩ đã kê, không tự ý mua thuốc về dùng cho bé.
- Sử dụng đúng theo liều lượng và liệu trình theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì thuốc.
- Cần theo dõi các phản ứng của bé khi dùng thuốc. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường như: trẻ quấy khóc nhiều, ngủ li bì, mệt mỏi, bỏ ăn… mẹ cần nhanh chóng đưa con đến thăm khám lại ngay.
Phòng ngừa tình trạng bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ bằng cách nào?
Bên cạnh các biện pháp can thiệp tình trạng nổi mẩn đỏ ở cổ. Cha mẹ cũng nên chú ý áp dụng các biện phòng tránh để tránh bệnh tái lại cũng như giảm các triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ. Các biện pháp phòng ngừa bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ:
- Lựa chọn sản phẩm tắm gội và nước giặt phù hợp với làn da bé.
- Hãy để con tránh xa các tác nhân gây dị ứng như: mỹ phẩm, hóa chất, phấn hoa, lông thú…
- Vệ sinh nơi ở, nơi sinh hoạt và học tập cho bé sạch sẽ, thoáng mát để tránh những tác nhân nấm mốc, bụi bẩn gây kích ứng da bé.
- Lựa chọn cho bé những bộ trang phục mềm mại, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho bé để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Hạn chế những thực phẩm gây dị ứng như: hải sản, đậu phộng, trứng…
- Mỗi ngày cần đảm bảo vệ sinh cho trẻ sạch sẽ đặc biệt là vùng cổ, nách, bẹn… nơi có nếp gấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi bẩn trú ngụ.
- Với trẻ sơ sinh, hãy cho con sử dụng sữa mẹ hoàn toàn để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch.
- Trẻ bị nôn trớ hay chảy dãi nhiều cần được lau khô cổ thường xuyên.
Trên đây là những chia sẻ chi tiết về tình trạng bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ. Hi vọng, cha mẹ sẽ có thêm những kiến thức hữu ích để xử lý đúng cách khi bé bị mẩn đỏ ở cổ. Chúc các bé yêu của bạn luôn khỏe mạnh!