Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường khởi phát nặng vào lúc giao mùa, cao điểm bệnh từ tháng 3 – 5 và tháng 8 – 10. Đây là căn bệnh lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm phổi, viêm màng não, suy hô hấp… Làm sao để bảo vệ trẻ khi bệnh tay chân miệng vào mùa, bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục
- Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Bệnh tay chân miệng lây qua đâu?
- Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
- Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng
- Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Nhóm virus đường ruột chính là thủ phạm chính gây nên bệnh tay chân miệng ở trẻ em, trong đó hai loại virus thường gặp là virus Coxsackie A16 và virus Enterovirus 71 (EV71)> Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie thường có triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng và có thể tự khỏi. Ngược lại, virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra bệnh tay chân miệng thể nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Virus tay chân miệng có hình cầu, đường kính 27 – 30nm. Chúng thường trú ngụ tại niêm mạc má và niêm mạc ruột, sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết rồi xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu. Điểm dừng cuối cùng của virus tay chân miệng là ở niêm mạc miệng và da.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc tay chân miệng nhất bởi đây là giai đoạn mà hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, còn non yếu nên rất dễ bị các vi khuẩn gây bệnh tay chân miệng tấn công. Bệnh tay chân miệng xảy ra vào tất cả các thời điểm trong năm nhưng giai đoạn bệnh khởi phát nặng nhất là vào lúc giao mùa từ xuân sang hè hoặc từ thu sang đông. Vì thế, vào những giai đoạn này mẹ cần có những biện pháp bảo vệ trẻ kỹ hơn khi trẻ chơi tại những nơi dễ lây nhiễm bệnh tay chân miệng như các khu vui chơi công cộng, nhà trẻ…
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh nên việc nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Mẹ hãy lưu ý các giai đoạn phát triển của bệnh tay chân miệng ở trẻ em sau đây:
Giai đoạn 1: Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Vào giai đoạn ủ bệnh, trẻ thường không có các dấu hiệu cụ thể.
Giai đoạn 2: Giai đoạn khởi phát
Từ 1 – 2 ngày, bé xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, ói, tiêu chảy.
Giai đoạn 3: Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 – 10 ngày. Bố mẹ bắt đầu thấy các dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng như:
Loét miệng: Các bóng nước xuất hiện ở miệng, lợi và lưỡi, sau khi vỡ để lại các vết loét có đường kính 2 – 3mm. Bé thường đau miệng, bỏ ăn và bú, tăng tiết nước bọt.
Phát ban dạng phỏng nước: Trên da bé ban đầu xuất hiện các vết hồng ban thông thường, sau đó phát triển dần thành các bóng nước. Các nốt bóng nước này thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đối với trẻ nhũ nhi có thể xuất hiện tại các vùng quấn tã.
Ngoài những nốt phát ban trên da và loét miệng, bé có thể gặp một số triệu chứng khác như: bỏ ăn, ăn kém, chảy dãi nhiều, sốt cao, li bì… Một số trẻ xuất hiện các biến chứng khác về thần kinh như: co giật, hôn mê… . Trong một vài trường hợp khác, bé có thể xuất hiện các biến chứng liên quan đến hô hấp như suy hô hấp, tím tái… Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa kịp thời.
Giai đoạn 4: Giai đoạn lui bệnh
Rơi vào 3 5 ngày sau phát bệnh và 7 ngày từ lúc khởi bệnh. Trẻ khỏi bệnh và không để lại biến chứng.
Theo một số nghiên cứu, sau khi khỏi bệnh bé có thể miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Nhưng trên thực tế, những em bé đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có thể mắc lại vào lần sau bởi mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, do đó bé vẫn có thể tái nhiễm nếu nhiễm virus khác thuộc nhóm enterovirus.
Bệnh tay chân miệng lây qua đâu?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây lan và phát triển thành dịch. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua các đường như nước bọt, dịch tiết từ mũi hoặc phân. Người bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhất là ở tuần đầu tiên sau khi nhiễm hay còn gọi là giai đoạn ủ bệnh. Tuy nhiên, virus gây bệnh tay chân miệng vẫn còn tồn tại trong cơ thể trẻ bị bệnh trong nhiều tuần ngay cả khi triệu chứng bệnh không còn nên lúc này và vẫn có khả năng lây cho những người xung quanh.
Trẻ có thể bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng trong các trường hợp sau:
- Trẻ chơi cùng, tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh.
- Trong quá trình chơi đùa, trò chuyện, bé có thể hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mụn nước của trẻ bị bệnh.
- Chơi chung đồ chơi với trẻ mắc tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng có khả năng lây nhiễm cao. Khi trẻ mắc bệnh, nếu bố mẹ không có các biện pháp chữa trị kịp thời, bệnh có thể lây sang trẻ xung quanh.
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Thực ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em rất lành tính và thường không để lại các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lại trở nặng và để lại biến chứng do sự chủ quan và thiếu hiểu biết của bố mẹ trong việc chăm sóc bé bị tay chân miệng, bị nhẫm lần tay chân miệng với các bệnh như cảm cúm, thủy đậu… nên không được chữa trị kịp thời hoặc sai cách khiến các nốt bọng nước bị bội nhiễm.
Trong một số trường hợp, bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng đến não và gây nên những biến chứng thần kinh nghiêm trọng như:
- Viêm màng não do virus: Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy.
- Viêm não: Do virus gây nên, để lại các biến chứng như mất trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ.
- Bệnh cũng gây ra các biến chứng hô hấp tuần hoàn như: tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch và phù phổi cấp.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng là một bệnh lành tính và không để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là do virus gây ra vì thế chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu. Mục tiêu của việc điều trị là điều trị các triệu chứng và duy trì chức năng sống đối với những trường hợp nặng, đặc biệt là suy tuần hoàn và suy hô hấp:
Khi trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ C trở nên, mẹ hãy hạ nhiệt ngay cho trẻ bằng paracetamol.
Trẻ bị tay chân miệng, miệng đau, cơ thể mệt mỏi nên thường bỏ ăn và uống nước dẫn đến thiếu nước. Mẹ bổ sung vitamin C, kẽm cho trẻ, bù đủ nước và điện giải bằng cách cho trẻ uống dung dịch điện giải oresol.
Điều trị loét miệng cho trẻ: Mẹ lau sạch miệng trước và sau khi ăn cho trẻ bằng dung dịch glycerin borat hoặc bằng các loại gel rơ miệng sát khuẩn.
Ngoài ra, mẹ cần chú ý theo dõi kỹ các dấu hiệu bệnh của trẻ. Nếu bé sốt cao, li bì, nôn ói hoặc sau 1 tuần bệnh chưa thuyên giảm và có các dấu hiệu nặng hơn, mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.
Đặc biệt lưu ý với mẹ, bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, nên kháng sinh không có tác dụng trong việc chữa trị bệnh. Việc dùng kháng sinh tùy tiện có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ, khiến bệnh trở nặng hơn, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc và gây khó khăn trong việc điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ.
Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng khiến gây ra những vết loét ở miệng khiến bé đau nhức, chán ăn, bỏ ăn. Vì thế, khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng mẹ cần lưu ý các điều sau:
- Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, lỏng.
- Không cho trẻ ăn các loại thức ăn cứng, cay, nóng
- Khi cho trẻ ăn, mẹ cần nhẹ nhàng, tránh đụng phair các vết loét trong miệng trẻ khiến trẻ bị đau và sợ hãi khi ăn.
- Mẹ tăng cường cho bé uống các loại nước ép rau quả tươi giúp bổ sung vitamin, nước và chất điện giải cho bé. Đối với trẻ đang bú mẹ, nên tăng cường số lần và thời lượng bú.
Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ em
Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc. Hiện tại chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị hữu hiệu, tuy nhiên mẹ vẫn có thể phòng bệnh cho trẻ bằng các cách sau:
Giữ vệ sinh cá nhân:
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng mà còn giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác. Mẹ nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Đối với trẻ đã mắc bệnh: Cần giặt sạch quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ sau đó ngâm với nước ấm, không giặt chung đồ của trẻ bệnh với các trẻ khác.
Giữ vệ sinh ăn uống:
Thức ăn cho trẻ và cả gia đình cần được nấu chín và đầy đủ chất dinh dưỡng. Vật dụng ăn uống cần được rửa sạch trước khi dùng. Rửa tay sạch sẽ cho trẻ trước khi ăn, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, dùng chung hoặc chơi chung với trẻ bị tay chân miệng.
Hạn chế cho trẻ dùng chung khăn ăn, dùng dụng cụ ăn uống chưa được vệ sinh sạch sẽ và khử khuẩn.
Khử trùng đồ chơi và nơi sinh hoạt
Trường học, nhà trẻ, hộ gia đình cần được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, khử trùng thường xuyên các bề mặt tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, sau đó tráng lại nước và lau khăn sát trùng.
Theo dõi và phát hiện sớm
Mẹ thường xuyên theo dõi sức khỏe của bé, sớm nhận biết các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ em để có những biện pháp chữa trị bệnh kịp thời, tránh để lại biến chứng nguy hiểm cho bé.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, mẹ theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám y tế nếu thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo. Mẹ không cho trẻ tiếp tục đến nhà trẻ, trường học để tránh lây bệnh cho những trẻ xung quanh.
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm có thể tự điều trị tại nhà. Hy vọng bài viết trên đây mang đến cho bố mẹ những kiến thức tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ em, giúp bố mẹ có thể nhận biết và xử lý kịp thời khi bé bị nhiễm bệnh tay chân miệng. Khi thấy bé có các triệu chứng nặng, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.