Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc và có khả năng lây lan nhanh thành dịch. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay thuốc đặc trị hữu hiệu nào, các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu là giảm bớt các triệu chứng do bệnh gây ra. Vậy nên, để ngăn chặn bệnh xảy ra, bố mẹ cần chú ý vệ sinh tốt cho trẻ và bổ sung cho trẻ chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh tay chân miệng cần kiêng gì luôn là thắc mắc của các bố mẹ có con mắc tay chân miệng. Để giải đáp điều này, bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục
- Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng ở trẻ em
- Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em:
- Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
- Trẻ bị bệnh tay chân miệng, ăn gì để tăng sức đề kháng?
- Gợi ý mẹ một số món ăn bổ dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần kiêng gì?
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần kiêng gì khác không?
- Một số biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do chủng virus đường ruột gây nên, hai loại virus phổ biến là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Phần lớn trường hợp trẻ bị bệnh tay chân miệng do chủng virus A16 thường nhẹ và có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Trong khi đó, chủng virus Enterovirus 71 lại gây ra bệnh tay chân miệng với mức độ nặng hơn và thường đi kèm những biến chứng nguy hiểm.
Tất cả các độ tuổi đều có nguy có mắc bệnh tay chân miệng riêng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa phát triển hoàn thiện như người lớn nên rất dễ bị các loại virus gây bệnh. Bệnh tay chân miệng rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với dịch từ nốt bọng nước, chất thải, nước bọt hoặc dịch từ tai mũi họng.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em:
Ở mỗi giai đoạn phát triển của bệnh tay chân miệng, bé sẽ có những biểu hiện, triệu chứng của bệnh khác nhau. Bé nào cũng đều phải trải qua 4 giai đoạn phát triển của bệnh tay chân miệng:
Giai đoạn 1: Giai đoạn ủ bệnh
Trước khi có những biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài, giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 3 -7 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ không có dấu hiệu cụ thể.
Giai đoạn 2: Giai đoạn khởi phát
Bé xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, ói, tiêu chảy. Các triệu chứng này kéo dài từ 1 – 2 ngày. Lúc này, biểu hiện của bệnh chưa rõ ràng nên bố mẹ rất dễ nhầm với các bệnh cảm cúm thông thường khác.
Giai đoạn 3: Giai đoạn toàn phát
Từ 3 – 10 ngày, bé xuất hiện các triệu chứng điển hình của tay chân miệng như:
- Loét miệng: Bọng nước xuất hiện ở miệng, lợi và lưỡi, khi vỡ để lại vết loét 2 – 3 nm. Các vết loét này khiến bé đau miệng, bỏ ăn và bú, tăng tiết nước bọt.
- Phát ban dạng bóng nước: Trên da bé xuất hiện những phát ban thông thường, sau đó dần phát triển thành bóng nước. Các nốt phát ban dạng bóng nước xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân, trẻ nhũ nhi thường thấy ở các vùng quấn tã.
Ngoài ra, bé có các triệu chứng đi kèm khác như sốt nhẹ và nôn. Một số triệu chứng cho thấy bệnh có chuyển biến nặng:
- Bé quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Nhiều bố mẹ nhầm tưởng rằng là do bé có các nốt đau miệng nên quấy khóc, nhưng thực tế đó là tình trạng nhiễm độc hệ thần kinh.
- Sốt cao không hạ, trên 38,5 độ C và kéo dài trong hơn 48 giờ, không hạ nhiệt được bằng paracetamol.
- Bé thường xuyên giật mình: Đây là một tình trạng của nhiễm độc hệ thần kinh. Mẹ chú ý quan sát trẻ ngay cả khi đang chơi xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Giai đoạn 4: Giai đoạn lui bệnh
Rơi vào 3 – 5 ngày sau phát bệnh và 7 ngày lúc khởi bệnh.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Nếu được chữa trị kịp thời ngay khi phát hiện, bệnh tay chân miệng sẽ không gây nguy hiểm cho trẻ và khỏi trong vòng 7 – 10 ngày.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ để lại nhiều biến chứng điển hình như: viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp, viêm cơ tim, suy tim…
Viêm màng não do virus: Virus có thể gây nên viêm màng não và dịch não tủy. Các biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Viêm não gây mất trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, nặng nhất là tử vong.
Ngoài ra, bé có thể gặp phải các biến chứng về hô hấp như: khó thở, thở khò khè.. hay phù phổi cấp với các biến chứng như sùi bọt hồng, phổi nhiều ran ẩm, nổi khí quản có lẫn máu .
Trẻ bị bệnh tay chân miệng, ăn gì để tăng sức đề kháng?
Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, cơ thể trẻ cần được bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng, chống lại virus gây bệnh. Một số nhóm chất mẹ nên tăng cường trong khẩu phần ăn của trẻ.
Protein
Hầu hết các loại kháng thể có trong cơ thể sản sinh ra có bản chất là protein. Vì thế, trẻ bổ sung nhiều protein giúp cơ thể sản sinh kháng thể nhiều hơn tăng cường hệ miễn dịch, đẩy lùi bệnh tật. Nguồn protein tự nhiên có nhiều trong thịt nạc, thịt bò, lòng trắng trứng, sữa, phô mai, ức gà, cá hồi, cá ngừ…
Chất béo
Ngoài protein, mẹ cũng nên bổ sung thêm chất béo cho bé. Chất béo tham gia vào tất cả các cấu tạo, cấu trúc của cơ thể. Trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên rất cần chất béo hỗ trợ quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể, đặc biệt là quá trình tổng hợp kháng nguyên.
Tuy nhiên, trẻ bị bệnh ăn nhiều chất béo sẽ khiến da bé đổ dầu. Vậy nên, khi bổ sung chất béo cho bé, mẹ chỉ nên bổ sung một lượng nhỏ qua các loại thức ăn như quả bơ, phô mai, trứng, các loại cá, sữa chua, dầu oliu, dầu dừa…
Vitamin
Mọi hoạt động trao đổi chất trong cơ thể đặc biệt là hoạt động sản xuất các kháng thể đều cần đến vitamin. Tuy nhiên, vitamin là chất cơ thể không tự sản sinh được mà phải bổ sung từ bên ngoài. Vì thế, mẹ phải thường xuyên cho bé ăn rau, củ , quả để bổ sung các loại vitamin.
Vitamin C
Vitamin C giúp tăng lượng tế bào T trong cơ thể củng cố hàng rào miễn dịch. Đồng thời, vitamin C tạo collagen nhanh làm lành vết thương hở và mờ thâm sẹo do bệnh tay chân miệng để lại hiệu quả.
Mẹ có thể bổ sung vitamin C cho bé qua các loại rau củ quả như súp lơ, rau cần tây, ổi, chanh, cam, bưởi…
Vitamin D
Vitamin D có vai trò là chất xúc tác, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch đẩy lùi các tác nhân gây bệnh, giúp bé phát triển về cả chiều cao và trí tuệ.
Trẻ có thể được bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng, ăn các loại cá như cá thu, cá hồi, đậu nành, ngũ cốc…
Vitamin E
Một loại vitamin nữa cũng rất quan trọng đối với hệ miễn dịch đó là vitamin E. Vitamin E như là một chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Các vết phỏng nước, vết loét sẽ nhanh lành hơn nếu mẹ thường bổ sung đầy đủ các loại vitamin cho bé.
Vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm như đậu nành, ngũ cốc, cải bó xôi, bí đỏ, quả bơ, bông cải xanh…
Kẽm
Kẽm là một vi dưỡng chất có vai trò quan trọng, giúp tăng cường hệ miễn dịch và nhanh làm lành vết thương.
Các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm như khoai tây, khoai lang, đậu nành, đậu hà lan, bí ngô, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa…
Gợi ý mẹ một số món ăn bổ dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng
khi bé bị tay chân miệng, cơ thể mệt mỏi cùng các vết loét trong miệng khiến trẻ đau nhức, chán ăn, bỏ ăn. Do đó mẹ có thể nấu các món cháo dinh dưỡng hoặc súp vừa mềm, vừa bổ dưỡng giúp bé dễ ăn, không quấy khóc. Mẹ có thể tham khảo một số loại cháo dưới đây để nấu cho trẻ:
Cháo sườn bí ngô
Cháo sườn bí ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng, màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon giúp bé dễ ăn.
Nguyên liệu: 500g sườn lợn, 500g bí ngô, 150g gạo tẻ.
Cách làm:
- Gạo tẻ vo sạch và ngâm qua đêm.
- Sườn rửa sạch, chặt thành khúc nhỏ. Bí ngô gọt vỏ, rửa sạch, thái nhỏ.
- Sườn đảo qua với chút muối cho ngấm gia vị, cho nước vào đun 20 phút. Sau đó, cho bí ngô và gạo đã ngâm vào nấu cùng, để nhỏ lửa để không bị cạn hay cháy.
- Mẹ nêm nếm gia vị vừa ăn cho bé.
Cháo gà hạt sen
Nguyên liệu:
- 300g đùi gà ta
- 200g xương ức gà
- 150g gạo tẻ
- 50g gạo nếp
- 100g hạt sen tươi
- Hành lá, hành khô
- Gia vị
Cách làm:
- Gạo nếp, gạo tẻ vo sạch, ngâm một lúc cho dễ nấu.
- Phần đùi và ức gà cho vào rửa sạch. Đun đùi và ức gà cùng ½ củ hành củ, đến khi chín thịt vớt ra lọc thịt. Phần xương cho lại vào nồi tiếp tục đun.
- Hành tím thái nhỏ, phi vàng, vớt ra
- Cho gạo, hạt sen vào nồi nước hầm, khuấy đều, để lửa nhỏ, nêm gia vị vừa vặn
- Đổ ra bát, thêm thịt gà xé lên trên.
Cháo lươn đậu xanh
Cháo lươn cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất cho bé giúp tăng sức đề kháng.
Chuẩn bị:
- 300g lươn
- 150g gạo
- 50g đậu xanh
- Gia vị
Cách làm:
- Gạo và đậu xanh vo sạch, cho vào nồi với 500 – 800ml nước nấu chín mềm.
- Lươn ướp muối, rửa sạch chất nhờn trên da.
- Hấp lươn, lọc lấy thịt.
- Cháo chín cho thịt lươn vào.
- Nêm nếm gia vị vừa miệng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần kiêng gì?
Chế độ ăn có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh của bé. Khi bé mắc bệnh tay chân miệng, mẹ cần tránh cho bé ăn các loại thức ăn sau đây:
Tránh thức ăn cay, mặn, nóng
Các loại gia vị cay khiến bé bị kích thích tiêu hóa, tăng phát ban, lở miệng.
Thức ăn nêm nếm mặn khi đi qua các vết loét gây đau xót, đau đớn cho trẻ, khiến trẻ sợ ăn. Vậy nên, nếu trẻ ăn chung khẩu phần ăn với gia đình, mẹ nên nấu riêng suất ăn của bé, nêm nếm phù hợp để giảm sự kích ứng niêm mạc.
Đồ ăn nóng tiếp xúc với vùng niêm mạc bị thương khiến các vết loét lâu lành hơn.
Kiêng thức ăn cứng
Khi bé bị bệnh tay chân miệng, mẹ không nên cho trẻ ăn thức ăn cứng vì chúng có thể gây ma sát và khiến bé đau đớn hơn. Không chỉ vậy, thức ăn cứng còn khiến các mụn nước trong miệng bé vỡ ra, làm mầm bệnh virus lây lan rộng hơn.
Tránh các thực phẩm chứa Arginine
Arginine là một loại acid amin làm virus sản sinh nhiều hơn. Do đó, nếu bé ăn càng nhiều thức ăn có chứa arginine thì bệnh càng diễn biến nặng hơn. Một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng Arginine cao như Socola, đậu phộng, nho khô, các loại hạt.
Không ăn các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Mẹ cần tránh cho bé ăn các loại thực phẩm giàu chất béo như phô mai, thịt mỡ, bơ… vào thời điểm con mắc bệnh. Các loại thức ăn này khiến da bé đổ dầu nhờn nhiều hơn, làm cho các tác nhân gây bệnh trên da bé phát triển khiến bệnh trở nặng hơn.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần kiêng gì khác không?
Bên cạnh một số loại thức ăn cần tránh, trẻ bị tay chân miệng cũng cần kiêng một số điều sau:
Kiêng đến những nơi đông người
Trẻ mắc bệnh thường mang trong mình virus gây bệnh tay chân miệng, chính vì thế mẹ không nên cho trẻ đến nơi đông người nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm của bệnh tay chân miệng. Mẹ hãy cho bé nghỉ học và ở nhà từ 7 – 20 ngày để theo dõi bệnh.
Không nên kiêng tắm
Một sai lầm của các bố mẹ có con nhỏ bị bệnh tay chân miệng đó là kiêng tắm cho bé. Bố mẹ đều nghĩ rằng trẻ bị tay chân miệng cần kiêng tắm, hạn chế tiếp xúc nước vào các nốt ban. Tuy nhiên, điều này lại vô tình tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi phát triển khiến bệnh trở nặng hơn.
Kiêng gãi hay chạm vào các nốt ban
Các nốt ban thường xuất hiện ở lòng bàn tay, hoặc lòng bàn chân khiến bé ngứa ngày. Mẹ không nên cho bé gãi hay chạm vào các nốt ban để tránh phần dịch lan sang các vùng da lành khác. Vùng da bị nổi ban cần được rửa sạch bằng nước ấm. Nếu các nốt này nổi phồng rộp lên, mẹ hãy chấm một chút thuốc mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuyệt đối không đụng vào các vết loét ở lưỡi và môi sẽ khiến trẻ bị đau và bỏ ăn.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Một số biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng mẹ cần lưu ý để thực hiện cho bé:
- Rửa tay sạch sẽ, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Bố mẹ,ông bà cần rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã cho bé
- Khử trùng bề mặt sàn, đồ chơi, dụng cụ ăn cho bé thường xuyên bằng chất tẩy rửa thông thường
- Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi như ôm, hôn, dùng chung đồ chơi hay dụng cụ ăn uống với trẻ bị bệnh
- Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng của trẻ khi chưa rửa tay sạch sẽ
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi
- Đưa trẻ đi khám chữa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh
Qua bài viết này, hy vọng bố mẹ đã có thêm nhiều hiểu biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ em và phần nào cũng giải đáp thắc mắc của bố mẹ, bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần kiêng gì.