Mục lục
- Thủy đậu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và những biến chứng có thể gặp.
- Thủy đậu có lây không?
- Vậy khi nào thủy đậu hết lây?
- Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường nào?
- Biện pháp phòng ngừa thủy đậu hiệu quả nhất
- Thủy đậu có để lại sẹo không?
- Nếu bị sẹo do thủy đậu, chữa trị thế nào?
- Người bị thủy đậu rồi có bị lại không?
Thủy đậu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và những biến chứng có thể gặp.
Thủy đậu, hay dân gian gọi là “trái rạ”, là bệnh do virus varicella zoster gây ra, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là các mụn nước nổi dần trên da và niêm mạc, kèm theo đó người bệnh luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi hoặc bị sốt.
Thủy đậu được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu điều trị không đúng cách kết hợp với thể trạng cơ thể yếu, khả năng miễn dịch kém, vẫn có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thủy đậu gồm:
- Biến chứng nhẹ: nhiễm trùng da khi các mụn nước vỡ ra hoặc người bệnh gãi nhiều ở các nốt mụn, hậu quả để lại các vết sẹo thâm trên da, mất thẩm mỹ.
- Biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm màng não gây co giật, hôn mê và có thể để lại di chứng lâu dài: bị điếc, động kinh…
- Biến chứng viêm phổi tuy ít gặp nhưng rất khó điều trị, biến chứng có thể làm phức tạp bệnh ở người lớn hoặc trẻ em bị suy giảm miễn dịch.
- Biến chứng ở phụ nữ mang thai: trẻ đẻ ra có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.
Diễn biến của bệnh thủy đậu
- Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 10-15 ngày đầu sau khi phơi nhiễm virus thủy đậu, trước khi bắt đầu phát ban, dấu hiệu mắc bệnh khá mờ nhạt, phần lớn bệnh nhân thấy mệt mỏi, nóng trong, sốt nhẹ. Ở trẻ em, các biểu hiện càng ít và khó nhận biết hơn.
- Giai đoạn khởi phát: Cơ thể người bệnh bắt đầu nổi các nốt ban nhỏ, màu đỏ, người bệnh có thể sốt cao hơn.
- Giai đoạn toàn phát: Các nốt mụn lớn dần, chứa bọng nước và lan ra khắp cơ thể, mụn có thể xuất hiện trên da đầu, mặt, hầu họng và toàn thân. Sau 1-2 ngày, các mụn nước trong dần chuyển sang màu trắng đục như màu mủ.
- Giai đoạn hồi phục: Thông thường, sau 4-5 ngày sẽ không xuất hiện thêm mụn nước nữa, các nốt mụn sẽ tự khô miệng, dần đóng vảy và bong ra lộ phần chân da non. Lưu ý, cần để cho các vảy mụn bong tự nhiên, không tác động vào như gãi, cạy phần vảy này để tránh bị sẹo, thâm.
Thủy đậu có lây không?
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, theo con số thống kê, 90% người có cơ địa nhạy cảm có thể bị lây nhiễm sau khi tiếp xúc trực tiếp với đối tượng bị bệnh.
Thời điểm bệnh có khả năng lây lan cao nhất là 1-2 ngày trước khi phát ban mẩn ngứa và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện các mụn rộp đầu tiên.
Bệnh có thể lây lan trong thời gian ủ bệnh vì người bệnh khi đó đã mang virus có thể lây sang người khác.
Ngay cả khi các mụn ‘’rạ’’ đã đóng vảy, bệnh vẫn có thể lây lan vì virus vẫn chưa biến mất hẳn, nếu như gặp điều kiện thuận lợi, bệnh có thể phát triển trên cơ thể người khác nếu người đó có khả năng miễn dịch kém.
Vậy khi nào thủy đậu hết lây?
Như vậy bệnh thủy đậu có thể lây lan trong bất cứ thời điểm nào của giai đoạn ủ bệnh, khởi phát và toàn phát. Nhưng không hẳn khi bệnh có dấu hiệu hồi phục thì sẽ không còn khả năng lây lan. Ở giai đoạn này mức độ lây nhiễm của bệnh sẽ giảm đi nhiều, tùy vào cơ địa và thể trạng cơ thể từng người, nếu chưa hồi phục hẳn thì vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Bệnh thủy đậu chỉ thật sự hết lây nếu như tất cả nốt thủy đậu hiện tại đã khô, seo lại thành các chấm đen, dày rồi bắt đầu tróc ra và không thấy nổi thêm bất kỳ một mụn nước nào mới trên da.
Quá trình này cần sự kiên nhẫn, không được chủ quan của người bệnh và người thân, tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly, phòng tránh nhằm đảm bảo không lây lan cho người khác.
Để nắm rõ cách phòng tránh lây nhiễm thủy đậu, chúng ta cần hiểu rõ các con đường lây lan của bệnh.
Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường nào?
Các con đường lây lan của bệnh gồm:
- Đường không khí hay đường hô hấp: Người bệnh thủy đậu khi nói, ho hoặc hắt hơi sẽ làm bắn các giọt nhỏ chứa virus vào không khí. Những người tiếp xúc gần với người bệnh rất có nguy cơ nhiễm virus qua đường này. Chính vì vậy, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế khi nói chuyện, tiếp xúc gần với người khác.
- Đường niêm mạc : Các vết loét khi mụn nước thủy đậu vỡ ra làm phát tán virus, nếu vô tình đụng chạm vào các vùng mụn bị vỡ đó sau đó đưa tay dụi mắt, ngoáy mũi, hoặc tiếp xúc qua vết thương hở, chúng ta sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Vì thế, cần lưu ý tránh đụng chạm vào các vết loét của người bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Ngoài ra, nước dịch chứa virus có thể bị dính trên quần áo, bát đũa, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Vì vậy, cần cho người bệnh sử dụng riêng đồ vật, không giặt giũ, rửa chung với đồ của người bình thường.
- Thai nhi có thể bị lây bệnh từ người mẹ qua đường nhau thai.
Bệnh thủy đậu không lây truyền qua động vật, chỉ truyền từ người sang người, đặc biệt là trẻ em. Khảo sát cho thấy, 90% trẻ em mắc bệnh thủy đậu sẽ lây cho người thân trong gia đình vì các bé không tự chăm sóc, sinh hoạt hàng ngày được mà cần sự trợ giúp của người lớn. Do đó, cha mẹ, người thân cần cho trẻ cách ly, tránh tiếp xúc thân mật như ôm, hôn, ăn, uống chung.
Biện pháp phòng ngừa thủy đậu hiệu quả nhất
Cho tới hiện tại, biện pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả và an toàn nhất chính là tiêm vacxin thủy đậu.
- Trẻ em từ 12-18 tháng tuổi chỉ cần tiêm vacxin 1 lần
- Trẻ em từ 19 tháng -13 tuổi chưa mắc thủy đậu bao giờ cũng chỉ cần tiêm 1 lần.
- Trẻ trên 13 tuổi nên tiêm 2 lần, lần nhắc lại cách lần đầu 1-2 tháng.
Người lớn có được tiêm vacxin thủy đậu không?
Người lớn có thể tiêm chủng thủy đậu bình thường, đặc biệt là phụ nữ có ý định mang thai, nên tiêm vắc xin trước khi mang thai 3 tháng. Điều này giúp ngăn ngừa mắc thủy đậu và lây nhiễm cho thai nhi khi còn trong bụng mẹ.
Đối tượng đã mắc thủy đậu 1 lần khi còn nhỏ thì ít có khả năng bị lại nhưng nếu thể trạng yếu, hệ miễn dịch kém, lại gặp mùa dịch thì vẫn có khả năng mắc bệnh.
Vì vậy, để vắc xin phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ, người lớn nên tiêm vắc xin trước mùa dịch 1 tháng. Ở nước ta, dịch thủy đậu được ghi nhận bùng phát cao điểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Tuy nhiên, bạn nên tiêm vắc xin thủy đậu vào các thời gian khác trong năm, tránh thời điểm trước dịch thì nguồn vắc xin sẽ dồi dào, lại giúp cơ thể có đủ thời gian để chuẩn bị kháng thể.
Vắc xin ngừa thủy đậu chống chỉ định với đối tượng nào?
- Người đang mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Người mắc các bệnh ung thư, u lympho, bệnh loạn sản máu
- Người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc xin, bao gồm cả neomyci và
- Người đang truyền máu hoặc huyết tương và tiêm bất kỳ một immunoglobulin với Varicella zoster (VZIG) cần hoãn tiêm vắc- xin thủy đậu ít nhất sau 5 tháng
- Phụ nữ đang mang thai.
Thủy đậu có để lại sẹo không?
Đặc trưng của thủy đậu là các nốt mụn bọng nước khắp cơ thể, mật độ mụn còn phụ thuộc mức độ bệnh của từng cơ thể. Chính vì vậy, nhiều người sẽ lo lắng rằng các vết mụn này có để lại sẹo hay không.
Câu trả lời là bệnh sẽ để lại sẹo, tuy nhiên sẹo mờ, sẹo thâm, sẹo rỗ hay lồi, theo thời gian có dần biến mất hay không còn phụ thuộc cơ địa người bệnh và quan trọng nhất là trong thời gian bệnh, người đó có tuân thủ các biện pháp kiêng cữ sau hay không.
- Không gãi hay cọ xát mạnh làm vỡ các mụn nước khi tắm rửa khiến vết thương bị bội nhiễm dẫn đến lâu khỏi, loét lớn hơn và chắc chắn sẽ để lại sẹo. Các trường hợp bị sẹo lõm hoặc sẹo lồi là do đã bị bội nhiễm rất nặng.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bụi bẩn vì miệng vết thương sẽ dễ bị nhiễm trùng, ánh nắng mặt trời chứa tia UV khiến các vết sẹo thâm sậm màu hơn.
Nếu bị sẹo do thủy đậu, chữa trị thế nào?
Các tổn thương da do thủy đậu gây ra là một dạng viêm da, sau khi bị viêm da thường có hiện tượng tăng sắc tố dẫn đến các vết sẹo thâm sau bong vảy mụn vẫn còn. Các vết sẹo thâm này sẽ tồn tại khoảng 3-6 tháng. Trong thời gian này, bạn nên bôi các thuốc trị sẹo uy tín, nên chống nắng thật kỹ, đội mũ rộng vành, mặc quần áo, bôi kem chống nắng đầy đủ.
Đối với các trường hợp bị sẹo nặng như sẹo lồi, sẹo lõm ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da rất nhiều, nếu sau 1 năm, tình trạng sẹo không giảm, người bệnh có thể tìm đến các cơ sở uy tín để điều trị bằng phương pháp laser.
Người bị thủy đậu rồi có bị lại không?
Bệnh thủy đậu là bệnh virus có tính truyền nhiễm đồng thời có tính miễn nhiễm cao. Các cá thể đã mắc thủy đậu, hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ tự động sản sinh ra kháng thể tự nhiên để chống lại virus trong một thời gian dài. Vì vậy, rất hiếm trường hợp bị mắc lại bệnh thủy đậu lần 2.
Tuy nhiên, bệnh nào cũng có các trường hợp ngoại lệ, thủy đậu tái nhiễm được đối với cơ thể có hệ miễn dịch kém, thể trạng yếu như người bị nhiễm hiv, đang điều trị ung thư, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Virus Varicella Zoster còn trú trong rễ thần kinh sẽ bùng phát trở lại và gây ra bệnh lý Zona hay còn gọi là bệnh viêm da thần kinh hoặc bệnh giời leo.
Như vậy để bệnh không tái phát, chúng ta cần có sức khỏe tốt, nâng cao hệ thống miễn dịch tạo sức đề kháng cho cơ thể. Muốn đạt được điều này, cần chăm chỉ luyện tập, có chế độ ăn uống dinh dưỡng, giàu Vitamin, nghỉ ngơi điều độ, hợp lý để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.