Hiện tượng khô da ở các bé sơ sinh khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân gây khô da, dấu hiệu nhận biết và nên chăm da của bé thế nào để không bị khô hay bong tróc?
Mục lục
Nguyên nhân gây khô da ở trẻ sơ sinh?
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến da của trẻ sơ sinh bị khô là do cơ thể bé trải qua thay đổi lớn từ môi trường nước ối sang môi trường khô ở bên ngoài, do đó làn da của bé bé phải thay đổi để thích nghi với môi trường sống bên ngoài.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, khi còn ở trong cơ thể mẹ, thai nhi sống trong môi trường nước ối, sử dụng hormone của mẹ. Nên khi chào đời, cơ thể bé phải sản xuất hormone để thích nghi với cuộc sống bên ngoài.
Khi mới sinh ra, cơ thể trẻ được bao phủ bởi nhiều chất lỏng khác nhau, trong đó có lớp Vernix. Vernix là lớp sáp trắng dày, bảo vệ làn da của trẻ khỏi nước ối và ngăn không cho vi khuẩn từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào cơ thể bé trong quá trình sinh nở. Lớp sáp này cũng có tác dụng dưỡng ẩm da bé, điều hòa thân nhiệt và giúp bé thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ tốt hơn.
Sau 1- 3 tuần tuổi, lớp Vernix không còn nữa. Lúc này, da bé không còn màng bảo vệ thường dễ bị khô, bong tróc khi tiếp xúc với không khí, nước, nhiệt độ, quần áo, đặc biệt là sự thay đổi về thời tiết. Không khí lạnh và khô hanh của mùa đông rất dễ khiến da bé mất đi độ ẩm cần thiết, vì vậy da bé thường bị khô, nứt nẻ và bong tróc. Vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng lên, da của trẻ cũng dễ bị mất cân bằng độ ẩm dẫn đến khô da. Mẹ có thể thấy rõ được những vùng da chết bị bong tróc khi trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay khi ở trong môi trường gió điều hòa suốt thời gian dài.
Cách chăm sóc cho da khô sơ sinh
Da khô là hiện tượng bình thường mà hầu hết trẻ sơ sinh đều trải qua. Mặc dù vấn đề da khô ở các bé sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, mẹ cũng phải hết sức lưu ý để tránh tình trạng kéo dài dẫn đến những tổn thương khác. Vì lúc này, trẻ không tự kiểm soát được hành động của mình, sự khó chịu khiến bé muốn cào gãi, làm cho da tổn thương nặng hơn.
Để giảm bớt sự khó chịu cho bé, cũng như tránh tình trạng khô da thêm nghiêm trọng, mẹ có thể thực hiện một số cách chăm sóc dưới đây:
Không dùng nước quá nóng để tắm cho con
Nước tắm quá nóng khiến da của bé mất đi độ ẩm tự nhiên. Với làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh, tốt nhất mẹ nên dùng nước đã đun sôi để nguội sau đó pha với một chút nước nóng sao cho độ ấm vừa tay để tắm cho con.
Đọc chi tiết: Nhiệt độ nước tắm phù hợp cho trẻ sơ sinh là bao nhiêu?
Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ phù hợp với da bé sơ sinh
Làn da của trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm. Do đó, khi mẹ muốn sử dụng sữa tắm cho con, nhất định phải tìm những loại sữa tắm dành riêng cho trẻ nhỏ, đảm bảo an toàn, lành tính. Mẹ không nên cho bé dùng chung sữa tắm với người lớn. Thông thường, trong sữa tắm của người lớn có hàm lượng chất tẩy rửa cao nên có thể khiến cho khô da trở nên trầm trọng hơn.
Các chuyên gia da liễu khuyên rằng, mẹ nên cho bé dùng sữa tắm có thành phần thảo dược thiên nhiên với các loại kháng sinh tự nhiên giúp làm sạch nhẹ nhàng, duy trì độ ẩm tự nhiên trên da bé.
Tham khảo thêm: 5 Loại sữa tắm thảo dược cho bé được nhiều mẹ bỉm sữa lựa chọn
Dưỡng ẩm cho da bé
Dưỡng ẩm da là một trong những bước quan trọng bạn có thể thực hiện để “giải cứu nhanh” làn da khô của trẻ. Với kem dưỡng ẩm cho da trẻ sơ sinh, mẹ nên bôi ít nhất 2 lần mỗi ngày. Thời điểm thích hợp nhất để bôi là sau khi trẻ vừa tắm xong. Vì lúc này, lỗ chân lông thông thoáng sẽ giúp hấp thụ các dưỡng chất tốt nhất. Mẹ nên chọn những loại kem dưỡng có thành phần chiết xuất từ tự nhiên để đảm bảo an toàn và lành tính cho da bé.
Xem chi tiết: Các loại kem dưỡng ẩm phù hợp cho bé
Cho trẻ bú sữa mẹ
Đối với trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng. Tốt nhất là mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất là 6 tháng đầu. Điều này giúp cung cấp đủ chất lỏng cần thiết cho bé, từ đó mà làn da cũng được nuôi dưỡng tốt hơn.
Cho bé mặc trang phục phù hợp
Có thể mẹ chưa biết, trang phục bé mặc thường ngày không phù hợp cũng có thể khiến tình trạng khô da tiến triển nặng hơn. Quần áo có chất liệu thô cứng, không thấm hút mồ hôi có thể cọ xát vào những vùng da bị khô khiến con bị đau. Do đó, mẹ nên lựa chọn cho bé những loại quần áo có chất liệu từ vải mềm, bông, thấm hút mồ hôi tốt, co giãn tốt.
Tăng cường độ ẩm trong không khí
Vào những mùa hanh khô như mùa đông, không khí thường thiếu độ ẩm trầm trọng, đó là nguyên nhân khiến cho da bé bị khô. Để cải thiện tình trạng này, mẹ có thể sử dụng máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm.
Hai loại máy này với cơ chế thêm hơi ẩm vào không khí, từ đó giữ cho độ ẩm trong môi trường ở mức an toàn, ngăn không cho hơi nước trên bề mặt da bé bốc hơi quá nhanh. Do vậy, nếu nhà bạn có trẻ nhỏ đang trong tình trạng khô da có thể cải thiện bằng cách mua những loại máy này về sử dụng.
Thay tã lót cho bé thường xuyên
Làn da bé vốn đã mỏng và nhạy cảm, vì thế mà khu vực tã lót luôn trong trạng thái ẩm ướt rất dễ sinh ra vi khuẩn gây hại. Do đó, mẹ nên chăm sóc vùng da này thật cẩn thận. Hãy thay tã lót thường xuyên cho bé (ít nhất 3 lần/ngày) để đảm bảo da bé luôn khô thoáng và sạch sẽ. Hạn chế cho trẻ mặc bỉm tã 24/24h.
Tránh để bé tiếp xúc với các yếu tố gây hại
Ánh nắng mặt trời, khói bụi, gió hanh là những yếu tố thuộc về thời tiết làm cho da bé bị khô. Ngoài ra, một số dị nguyên khác như xà phòng, chất tẩy rửa hóa học, kim loại, lông động vật, phấn hoa,… có thể làm bé dị ứng gây chàm da, dần dần sẽ đến tình trạng da khô sau chàm.
Chính vì thế, đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất mẹ nên tránh để con tiếp xúc với các dị nguyên có thể gây dị ứng.
Tránh sử dụng các sản phẩm làm trầm trọng thêm tình trạng da khô của bé
Để bảo vệ da nhạy cảm của bé, mẹ nên hạn chế cho con tiếp xúc với các sản phẩm có thể khiến làn da khô trở nên trầm trọng hơn như:
- Bột Talc;
- Các sản phẩm có chứa cồn;
- Xà phòng và các chất tẩy rửa;
- Dung môi công nghiệp, dung dịch hóa chất, cao su,…
Một số mẹo dân gian giúp dưỡng ẩm cho da bé
Bôi dầu dừa
Dầu dừa đã được coi là một trong những loại nguyên liệu làm đẹp tại nhà quen thuộc của các chị em phụ nữ. Không chỉ vậy, dầu dừa còn an toàn và lành tính với làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Với công dụng cung cấp độ ẩm tự nhiên, dầu dừa rất phù hợp với một làn da khô.
Cách sử dụng: Mẹ có thể bôi trực tiếp dầu dừa nguyên chất lên vùng da khô của con. Để 30 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm.
Tắm lá trà xanh
Thành phần chủ yếu trong là trà xanh là EGCG là một chất chống oxy hóa tự nhiên giúp nuôi dưỡng và giữ ẩm cho da bé. Ngoài ra, lá trà xanh còn có khả năng làm sạch da, kháng viêm rất tốt nên được mẹ sử dụng rất nhiều trong việc tắm cho con để giúp bé mát da, giữ ẩm da một cách tự nhiên, đồng thời ngăn ngừa các tổn thương do rôm sảy, hăm tã, thủy đậu, mụn nhọt gây nên.
Để xem hướng dẫn chi tiết cách nấu nước trà xanh tắm cho bé, mẹ có thể đọc bài viết này: Bày mẹ cách nấu nước chè xanh cho bé an toàn, đúng cách.
Thoa nha đam
Vì thân cây nha đam chứa nhiều nước, vitamin và các khoáng chất nên nó có tác dụng cấp ẩm cho da rất hiệu quả. Không chỉ vậy, cây nha đam còn có công dụng giảm độ sừng hóa và dưỡng ẩm cho da. Đó là lí do nhiều mẹ lựa chọn nha đam để chữa bệnh da khô cho bé.
Cách sử dụng: Cây nha đam bỏ phần vỏ xanh bên ngoài, chỉ lên phần lõi bên trong rồi giã nát. Phần gel thu được sau khi giã, bôi lên những vùng da bị khô, sau 20 phút thì rửa sạch lại với nước.
Dùng bột yến mạch
Bột yến mạch cũng là một nguyên liệu được dùng để khắc phục cho tình trạng da khô rất hiệu quả. Dùng bột yến mạch để tắm không chỉ dưỡng ẩm cho da khô mà còn nhẹ nhàng tẩy đi lớp da chết. Lợi ích bột yến mạch mang lại tương tự như một loại sữa tắm dưỡng ẩm nhưng lại an toàn cho da bé vì nguyên liệu được sử dụng được lấy hoàn toàn từ tự nhiên.
Cách thực hiện: Trước tiên mẹ cần chuẩn bị 1 ly sữa tươi, 2 ly bột yến mạch và 1 thìa mật ong. Sau đó, pha nước tắm ấm với bột yến mạch trước, rồi cho nốt các nguyên liệu còn lại vào. Tắm cho bé bằng nước tắm vừa pha được trong khoảng 15-20 phút.
Tình trạng da khô rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Mong rằng với bài viết trên đây, cha mẹ có thể đúc kết được cách chăm sóc phù hợp nhất cho làn da khô của con mình. Tốt nhất, mẹ nên có biện pháp can thiệp ngay khi làn da trẻ có những dấu hiệu thay đổi đầu tiên.