Nếu đã từng chăm trẻ thì chắc hẳn bạn không còn xa lạ với hiện tượng bé bị hăm háng. Tuy không bệnh gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ nhưng lại khiến ba mẹ “khốn đốn” vì trẻ quấy khóc suốt ngày, biếng ăn và khó ngủ. Ban đầu, ở vùng háng của các bé chỉ xuất hiện các vết đỏ nhưng theo thời gian, nếu không xử lý đúng cách thì hăm háng có thể chuyển thành viêm da nặng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với phụ huynh những nguyên nhân khiến bé bị hăm háng và mẹo chữa hăm háng cho trẻ hiệu quả. Hãy cùng theo dõi nhé.
Mục lục
Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị hăm háng?
Hăm háng là hiện tượng mà bất cứ trẻ nào cũng có thể gặp phải. Các vết hăm xuất hiện ở vùng da quanh háng khiến bé rất khó chịu và đau rát. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động gây hăm háng ở trẻ, phải kể tới:
Dùng tã/bỉm thường xuyên
Khi trẻ phải mặc tã, bỉm trong một thời gian dài, vùng háng của bé sẽ luôn trong trạng thái ẩm ướt, gây ra bí bách, khó chịu vì tiếp xúc thường xuyên với phân và nước tiểu. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây đỏ da, khiến da khô ráp và dẫn tới hăm háng.
Kích ứng với chất liệu làm tã, bỉm
Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên dễ bị dị ứng khi sử dụng các loại tã bỉm hay quần áo không đảm bảo chất lượng hay độ thấm hút. Ngoài ra, sử dụng tã bỉm cứng còn làm tăng độ ma sát khiến da bé trầy xước. Độ thấm hút của bỉm kém có thể làm da bé bị ẩm ướt khi bé đi tè nhiều hoặc mỗi khi vận động mạnh.
Dùng phấn rôm, khăn ướt, xà phòng tẩy mạnh
Nhiều cha mẹ có thói quen sử dụng phấn rôm cho bé. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng, những sản phẩm này có thể gây bít tắc lỗ chân lông dẫn tới hăm háng. Sử dụng khăn ướt có chứa chất tạo mùi, hương thơm hay chất bảo quản thường xuyên dễ gây kích ứng da gây viêm da, hăm háng.
Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, trong khi bạn thường sử dụng các loại xà phòng tẩy mạnh giặt đồ cho bé rất dễ gây kích thích da và dẫn tới hăm da.
Nguyên nhân khác
Hăm háng ở trẻ sơ sinh còn xảy ra khi cha mẹ lơ là việc vệ sinh da cho bé hoặc không thay tã/bỉm thường xuyên. Trong khi đó khu vực da quanh háng bé thường xuyên tiếp xúc với phân, nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm sinh sôi, gây hại da.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị hăm háng
Để nhận biết trẻ bị hăm háng, các mẹ chỉ cần quan sát bé có các đặc điểm sau hay không.
- Trẻ bị hăm háng vùng da xung quanh háng, hậu môn, bẹn, mông và thậm chí cả đùi xuất hiện vùng da đỏ
- Da tại khu vực háng trẻ có màu sắc đậm hơn, da thường căng và bóng hơn so với các khu vực xung quanh.
- Có thể có sự phồng nhẹ hoặc nổi mụn nhỏ màu đỏ ở vùng da tại háng
- Có hiện tượng tróc vảy, ngứa khiến trẻ rất khó chịu, quấy khóc. Màu sắc tại những vùng da bị hăm thường có màu sậm hơn so với các vùng da xung quanh.
Thông thường, người ta chia hăm háng thành 2 loại phổ biến như sau:
- Hăm háng do nhiễm khuẩn: Khi bị hăm háng do nhiễm khuẩn vùng da bị hăm có màu vàng. Mảng hăm thường có chứa nước kèm các vết loét có mủ hay bị đóng vảy giống như sáp ong trên mông của bé.
- Hăm háng do nấm: Những mảng hăm ở khu vực háng có màu đỏ tươi, có những mụn đỏ lan tỏa ra từ rìa của vết hăm. Những vết mẩn đỏ nổi lên ở vùng bẹn, cổ hay các nếp gấp ở da khiến bé khá khó chịu. Khi tiếp xúc với phân hay nước tiểu da của bé có thể bị kích ứng.
Khi trẻ bị hăm háng mà mẹ không vệ sinh cho bé đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Vì đây là vùng da luôn ấm và có xu hướng giữ ẩm nên dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh lý về da.
Cách trị hăm háng cho bé an toàn từ thiên nhiên
Bị hăm háng không chỉ khiến bé yêu cảm thấy khó chịu, đau rát, nhất là mỗi lần đi vệ sinh. Chưa kể tới, hăm háng nặng mà không có biện pháp cải thiện kịp thời có thể gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Với trẻ bị hăm vùng háng, điều đầu tiên cha mẹ cần nhớ là phải giữ cho vùng da bị hăm luôn khô ráo, tránh ẩm ướt. Đồng thời, các mẹ có thể tham khảo một số cách dân gian trị hăm háng dưới đây để cải thiện làn da, tránh những tổn thương trên da, giúp làn da bé luôn mịn màng.
Trị hăm háng cho bé bằng trầu không
Theo y học cổ truyền, trầu không có vị cay, tính ấm nên được dùng để kháng khuẩn, tiêu viêm và giảm đau. Chỉ cần dùng vài lá trầu không là bạn có thể trị hăm háng cho trẻ hiệu quả.
Các bước thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 200g lá trầu không và 1 lít nước lọc.
- Rửa sạch lá trầu không rồi để ráo nước.
- Đun sôi 1 lít nước sau đó cho lá trầu không vào đun cùng khoảng 10 phút cho tới khi nước trôi trở lại thì tắt bếp.
- Để nước nguội bớt tới khi còn ấm thì dùng để rửa vùng da háng bị hăm của bé.
- Lau khô vùng da vừa lau rửa và mặc quần áo thoáng mát cho bé.
Ngoài dùng lá trầu không, các mẹ cũng có thể dùng lá trà xanh để cải thiện hăm háng ở bé. Các bước chuẩn bị và thực hiện cũng giống như cách dùng lá trầu không.
Cách trị hăm háng từ dầu dừa
Rất nhiều mẹ rỉ tai nhau cách trị hăm háng cho trẻ sơ sinh bằng dầu dừa mang lại hiệu quả khá tốt, giúp giảm viêm và xoa dịu làn da bị kích ứng.
Phần lớn các trường hợp sử dụng dầu dừa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều không xuất hiện tác dụng phụ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bé, trước khi sử dụng cha mẹ nên bôi thử một chút dầu dừa lên da tay của bé và theo dõi một thời gian. Nếu không có hiện tượng kích ứng da hay tác dụng phụ nào thì mới bôi khu vực da bị hăm của bé.
Bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Chuẩn bị một lượng dầu dừa đủ dùng và khăn vải xô sạch.
- Bỏ tã cho bé và rửa tay mẹ thật sạch với xà phòng.
- Bạn hãy dùng khăn xô để rửa sạch vùng mông của bé, hãy rửa thật nhẹ nhàng để tránh làm đau con bạn nhé. Sau đó, hãy dùng một chiếc khăn xô mềm khác để lau khô cho bé.
- Lót tấm giấy chống thấm lên giường, sau đó đặt bé nằm lên.
- Mẹ rửa tay sạch một lần nữa với xà phòng diệt khuẩn nhằm đảm bảo khi chạm vào vùng da đang tổn thương của bé không mang theo vi trùng.
- Đổ một ít dầu dừa lên tay sau đó thoa nhẹ lên vùng da của bé đang bị hăm đỏ kết hợp massage nhẹ nhàng khoảng 15 – 20 phút để các dưỡng chất của dầu dừa thấm vào da của bé.
- Hãy để bé “tạm biệt” với tã, bỉm khoảng 3 tiếng đồng hồ mẹ nhé. Điều này giúp làn da của bé được thông thoáng nhất có thể. Mẹ nên cho bé yêu quần áo rộng rãi và thoáng mát giúp bé dễ chịu hơn.
Lá khế trị hăm háng ở trẻ
Nhiều mẹ chỉ cần dùng nắm lá khế là có thể “đánh bay” hăm háng ở bé hiệu quả. Để trị hăm háng bằng lá khế, các mẹ thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 nắm lá khế lớn, chọn những lá còn xanh, không bị úa và sâu.
- Rửa sạch lá khế để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn có thể làm hại làn da của bé, sau đó để ráo nước.
- Giã nát lá khế cùng chút nước, cho thêm chút nước sôi để nguội và chắt lấy nước. Hoặc cho lá khế vào nồi nấu với nước và chút muối.
- Dùng khăn vải sạch, mềm giặt trong chậu nước lá khế để nguội. Vắt khô và lau nhẹ nhàng vùng háng bị hăm của bé.
Trị hăm háng bằng búp ổi non
Nước lá ổi non có đặc tính sát khuẩn nên ngăn ngừa các vết loét xuất hiện đồng thời đẩy nhanh quá trình hồi phục của các vết hăm. Vì thế, các mẹ có thể chuẩn bị một ít búp ổi hoặc lá ổi non nấu nước vệ sinh vùng da quanh háng cho bé
Thực hiện:
- Chuẩn bị vài búp ổi hoặc 7 – 10 lá ổi còn non.
- Rửa sạch và để ráo nước.
- Cho búp ổi vào đun sôi cùng 1,5 lít nước.
- Chờ nước nguội tới khi còn ấm, mẹ hãy dùng khăn sạch nhúng nước lá ổi để lau vùng da háng bị hăm cho bé.
Cây mã đề chữa hăm háng cho bé
Nhiều mẹ chưa biết đến công dụng trị hăm háng cho bé của cây mã đề. Chỉ cần một ít lá mã đề tươi mẹ đã giúp bé cải thiện hăm ở háng hiệu quả. Nước mã đề giúp làm dịu da và làm lành các vết thương trên da do hăm gây ra.
Các bước thực hiện như sau:
- Chuẩn bị một ít lá mã đề tươi, không bị dập hay héo úa.
- Rửa sạch lá mã đề, ngâm qua nước muối để loại bỏ vi khuẩn có hại và để ráo.
- Vò nát lá mã đề, sau đó chắt lấy nước thoa nhẹ lên da của bé.
❎ Xem nhiều hơn: 9 cách trị hăm tại nhà cho bé cực kỳ đơn giản và hiệu quả
Lưu ý sau khi áp dụng cách trị hăm háng từ tự nhiên:
- Trị hăm háng cho bé bằng các bài thuốc dân gian chỉ thực hiện khi các vết hăm của bé không quá nghiêm trọng. Các mẹ phát hiện bé bị hăm háng sớm và có cách xử lý đúng vùng da bị hăm sẽ nhanh chóng lành trở lại.
- Các mẹ cần lựa chọn các loại lá để trị hăm háng có nguồn gốc rõ ràng, không chứa thuốc trừ sâu, bụi bẩn hay sâu bọ…
- Khi áp dụng các cách dân gian mà hăm háng vẫn chưa cải thiện hoàn toàn bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ da liễu.
Thuốc trị hăm háng cho bé?
Có những bé chưa từng bị hăm háng, song cũng có nhiều bé thường xuyên bị hăm háng “ghé thăm” khiến bé ăn không ngon, ngủ không yên. Làm gì để cải thiện hăm háng cho bé, giúp cha mẹ giải tỏa lo lắng bao ngày. Mẹ có thể tham khảo một số loại thuốc để khắc phục hăm háng sau đây.
Thuốc tím
Để vệ sinh vùng háng bị hăm của bé, mẹ có thể pha 1 gói thuốc tím cùng 2 lít nước ấm để lau rửa. Mẹ hãy rửa nhẹ nhàng thôi nhé, vì làn da của bé đang rất mỏng mạnh nên rất dễ bị trầy xước và đau rát. Sau đó, hãy thấm khô bằng khăn mềm sạch.
Xanh Methylen, Betadine
Sử dụng xanh methylen hay betadine là cách giúp bé cải thiện hăm háng hiệu quả. Cách thực hiện cũng khá đơn giản, sau khi tắm rửa và lau khô cho bé mẹ hãy dùng tăm bông y tế để bôi thuốc lên vùng da mà bé bị hăm. Chỉ vài ngày sau, hăm háng ở bé sẽ được cải thiện đáng kể.
Thuốc trị hăm háng khác
Hiện nay, nhiều mẹ thường sử dụng một số kem trị hăm như Bepanthen, Sudocrem, Desitin,…Cách dùng khá đơn giản, chỉ cần thoa lên vùng da háng bị hăm cho bé ngày 2 lần. Chúng có tác dụng bảo vệ da, làm lành các vùng da bị tổn thương giúp da bé trở lại mịn màng như trước.
Tuy nhiên, các mẹ cần thận trọng khi sử các loại thuốc hay kem trị hăm cho bé. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc hay kem có chứa thành phần corticoid sẽ gây teo da, rạn da và suy nhược tuyến thượng thận ở trẻ. Các mẹ nên lựa chọn những sản phẩm được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, đảm bảo chất lượng tốt giúp bảo vệ da, làm mềm da và làm lành các tổn thương da do hăm háng gây ra.
Những lưu ý khi điều trị hăm háng ở trẻ
Mặc dù đa số các trường hợp bị hăm háng đều có thể được khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc bé cha mẹ cần phải lưu ý một số điểm sau để tránh tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Bạn không nên đóng tã bỉm cho bé cả ngày, hãy dành vài giờ đồng hồ trong ngày cho bé “cởi truồng” và mặc quần áo thoáng mát để làn da của bé được dễ chịu.
- Lựa chọn kích cỡ của tã, bỉm phù hợp với bé, tránh dùng các loại quá chật khiến bé thấy khó chịu và tăng nguy cơ gây hăm háng.
- Các mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín cho bé và lau khô bằng khăn mềm sạch sau mỗi lần bé đi vệ sinh.
- Không nên lạm dụng dùng phấn rôm hay bột ngô để cải thiện hăm háng cho bé. Những hạt bột phấn có thể gây kích thích da, làm bít tắc lỗ chân lông khiến quá trình chữa lành bệnh bị chậm lại. Thậm chí còn tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn hay nấm men gây bệnh.
- Không sử dụng khăn ướt hay các sản phẩm có mùi thơm để lau rửa cho bé. Chúng có thể gây kích ứng khiến các triệu chứng của hăm càng trở nên tồi tệ hơn.
- Không được tự ý dùng thuốc điều trị nấm men của người lớn để dùng cho bé. Khi dùng bất cứ loại thuốc nào bạn cần sự tư vấn của bác sĩ.
Ngăn ngừa hăm háng cho bé như thế nào?
Để đảm bảo hăm háng không quay trở lại, trong quá trình chăm sóc bé, cha mẹ cần thực hiện một số điểm sau:
- Luôn giữ cho da của bé khô thoáng, sạch sẽ và thoáng mát suốt ngày dài.
- Cần thay tã cho bé thường xuyên, sau khi thay tã cần lau rửa kỹ vùng kín của bé.
- Sử dụng nước ấm để vệ sinh vùng mặc tã cho bé để hạn chế kích ứng. Trường hợp da quá bẩn, mẹ có thể dùng một chút xà phòng dịu nhẹ không gây kích ứng, không có mùi hương. Hãy lau khô vùng kín trước khi mặc tã mới cho bé mẹ nhé.
- Nếu bé bị kích ứng, bạn có thể thay đổi nhãn hiệu tã khác cho bé. Vì có nhiều trường hợp bé bị hăm háng do dị ứng với tã, bỉm. Hãy lựa chọn kích cỡ phù hợp với bé yêu của bạn nhé để bé không cảm thấy khó chịu.
- Bé vẫn bú mẹ thì mẹ hãy tiếp tục cho bé bú càng lâu càng tốt. Sữa mẹ không chỉ giúp bé phát triển toàn diện mà còn tác động tới độ pH trong nước tiểu và phân của bé, làm giảm chứng hăm háng.
Hăm háng ở trẻ sơ sinh tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến bé cảm thấy khó chịu và đau rát. Là một người mẹ thông thái, bạn hãy giúp con phát hiện sớm và xử lý đúng cách để bé yêu của bạn luôn vui khỏe mỗi ngày nhé.
❎ Xem thêm: Trẻ bị hăm ở vùng cổ nên xử lý thế nào?