Bé yêu ra đời luôn là niềm hạnh phúc to lớn của mỗi gia đình. Bên cạnh niềm vui đó, các vấn đề chăm sóc bé hằng ngày cũng là thử thách với nhiều ông bố, bà mẹ. Chỉ riêng chuyện tắm gội cho con cũng rất kì công, đặc biệt là với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn. Vậy, làm thế nào để tắm cho bé sạch sẽ mà không gây ảnh hưởng tới tiến độ rụng rốn? Mời các mẹ tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Khi nào có thể tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn?
Dây rốn được hình thành trong khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ. Nó là đường truyền để kết nối nhau thai và thai nhi đang phát triển. Oxy và các dưỡng chất cần thiết từ nhau thai sẽ được truyền qua dây rốn để giúp bé phát triển, đồng thời loại bỏ các chất cặn bã của thai nhi.
Cấu tạo của dây rốn bao gồm:
- Một tĩnh mạch: Có nhiệm vụ vận chuyển oxy và máu giàu dưỡng chất từ mẹ truyền sang thai nhi.
- Hai động mạch: Có chức năng vận chuyển máu không có oxy cùng một số loại dịch từ máu của bé tới bánh nhau.
Ba mạch máu trên được gói gọn trong chất gọi là thạch Wharton, bao phủ bên ngoài là một màng ối được gọi là amnion.
Trong thời kỳ em bé sắp chào đời, dây rốn có nhiệm vụ mang các kháng thể từ mẹ truyền sang em bé nhằm chống lại các nhiễm trùng trong 3 tháng đầu đời. Sau khi sinh, dây rốn không còn cần thiết nữa vì cơ thể của bé tự ăn, tự thở cũng như tự đào thải các chất cặn bã ra bên ngoài. Do đó, dây rốn sẽ được cắt đi sau khi em bé sinh ra.
Sau khi cắt cuống rốn, để tránh nhiễm trùng, rốn cần được giữ sạch và khô. Cuống rốn càng khô thì càng mau rụng. Do đó, cha mẹ không nên băng quanh bụng của trẻ lại, trường hợp muốn băng thì nên băng lỏng thôi nhé.
Đồng thời, ngay sau khi vừa chào đời trẻ sơ sinh chưa cần tắm ngay. Các cô hộ lý thường lấy khăn bông mềm và ấm để lau sạch phần nước ối cùng máu dính ở trên người của bé. Tiếp đó, bé được đưa đến bên cạnh mẹ để thực hiện da tiếp da hoặc được quấn khăn và để nằm gần mẹ.
Sau khi chào đời, thân nhiệt của bé chưa thực sự ổn định nên thường phải đợi tới ngày hôm sau bé mới được mang đi tắm. Và ở tất cả các bệnh viện phụ sản, việc tắm cho bé sơ sinh lần đầu tiên được thực hiện vào ngày đầu sau sinh.
Tuy nhiên, cũng còn tùy thuộc vào ý kiến của bố mẹ của bé. Nếu cha mẹ vẫn chưa sẵn sàng để cho bé tắm, có thể trì hoãn thêm từ 1 – 2 ngày. Nhưng không nên trì hoãn quá lâu, vì làn da không được vệ sinh sạch sẽ có thể trở thành nơi cu trú và phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây hại. Sau khi trở về nhà, cha mẹ có thể tự vệ sinh cho trẻ hàng ngày, giúp bé thoải mái, ngủ ngon hơn và hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn tại nhà
Tắm cho trẻ sơ sinh là điều rất cần thiết, cha mẹ hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Nếu lần đầu làm cha mẹ khiến các bạn cảm thấy bỡ ngỡ khi tắm cho bé, hãy làm theo các bước sau để tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn nhé.
Nguyên tắc tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn
Khi tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, bạn cần đảm bảo các nguyên tắc như sau:
- Nước tắm và dụng cụ để tắm cần phải đảm bảo thật sạch sẽ.
- Tắm cho bé ở phòng tắm phải kín gió, tránh gió lùa và đủ ánh sáng.
- Người tắm cho bé cần cắt móng tay và rửa tay sạch sẽ trước khi tắm.
Chuẩn bị trước khi tắm cho trẻ sơ sinh
Trước khi tắm cho bé, cha mẹ hãy dành chút thời gian để chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho bé để quá trình tắm diễn ra thuận lợi và tránh kéo dài thời gian tắm, có thể khiến bé bị cảm lạnh. Dưới đây là một số đồ dùng cần chuẩn bị:
- Chậu nước ấm: Mẹ nên kiểm tra nhiệt độ của nước tắm để đảm bảo nhiệt độ nước không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Ghế tắm hoặc lưới tắm (nếu có).
- Khăn tắm: Nên chuẩn bị 3 cái khăn sữa để tắm và 2 chiếc khăn lớn (một chiếc để lót cho trẻ sau khi tắm, một chiếc dùng để lau khô cho bé).
- Sữa tắm: Nên chọn loại có độ pH phù hợp với làn da của bé.
- Chậu tắm: Nên chọn chậu có kích thước vừa phải, một chiếc dùng để tắm, một chiếc dùng để tráng lại.
- Quần áo: Chuẩn bị quần áo sạch cho bé, trong đó bao gồm cả bao tay, bao chân và mũ để tránh trẻ bị nhiễm lạnh.
- Một số vật dụng khác: Dầu massage, nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh cuống rốn hoặc cồn y tế 70 độ.
- Nếu thời tiết lạnh, các mẹ có thể sử dụng thêm máy sưởi trước và trong khi tắm cho bé để tránh bé bị nhiễm lạnh.
Massage cho bé
Massage cho bé trước khi tắm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé. Không chỉ giúp bé cảm thấy dễ chịu, ấm áp mà giúp bé không cảm thấy sợ hãi khi được mẹ thả vào trong nước để tắm.
Tắm cho bé
Các mẹ tiến hành tắm cho bé sơ sinh chưa rụng rốn theo các bước sau nhé:
Bước 1: Cởi quần áo cho bé
Dùng khăn lau sạch vùng sinh dục rồi đến vùng hậu môn trước khi tắm cho bé. Cởi bỏ toàn bộ quần áo, mũ, bao tay, bao chân cho bé và quấn bé trong một chiếc khăn tắm ấm và sạch. Bế bé theo tư thế: cánh tay mẹ đỡ lưng bé, bàn tay đỡ đầu bé.
Bước 2: Làm sạch mặt với khăn sữa
Bàn tay nâng đầu bé cao hơn chân, sau đó nhúng khăn vải vào nước sạch, vắt nhẹ và dùng 2 góc khác nhau lau nhẹ nhàng hai khóe mắt trong ra ngoài đuôi mắt. Tiếp đó, xoay hai góc còn lại lau lần hai.
Xả khăn lại lần nữa và lau mặt từ giữa dọc theo mũi ra hai bên tai. Bạn cần lưu ý, không được đưa sâu vào bên trong tai. Cần lau kỹ vùng vành tai ngoài, vùng sau tai và nếp gấp cổ.
Bước 3: Gội đầu cho trẻ
Làm ướt tóc bé, cho sữa tắm gội vào khăn vải thứ nhất đánh bọt và thoa đều lên tóc bé. Tiếp tục nhúng khăn vải thứ hai vào chậu nước sạch và xả sạch đầu, sau đó lau khô đầu cho bé.
Nếu tắm cho bé vào thời tiết lạnh, các mẹ nên rửa mặt trước, tắm thân mình và quấn khăn giữ ấm cho bé. Sau đó, mới gội đầu và lau tóc cho bé thật khô để giúp bé tránh bị mất nhiệt.
Bước 4: Tắm cơ thể cho bé
Vốc nước nhẹ nhàng lên người bé, dùng khăn bông tắm xoa bọt sữa tắm lên toàn thân bé. Các mẹ cần lưu ý những chỗ nếp gấp như cổ, nách, cổ tay, háng, đầu gối, cổ chân…Bé sơ sinh thường rất nhiều nếp gấp nên các mẹ cần làm sạch các nếp gấp này, bởi nếu mồ hôi và bụi bẩn đọng lại dễ khiến bé bị hăm. Nhẹ nhàng vốc nước sạch để làm sạch sữa tắm ở trên người của bé.
Bước 5: Lau khô người và mặc quần áo
Nhẹ nhàng lau khô người cho bé, lau khô các kẽ ngón tay và chân. Mặc quần áo cho bé, đeo bao tay, bao chân để tránh bé bị nhiễm lạnh.
Vệ sinh rốn cho trẻ sau khi tắm
Tắm cho bé sơ sinh chưa rụng rốn, sau khi tắm xong bạn cần vệ sinh cuống rốn. Lấy bông gòn sạch đặt nhẹ nhàng lên cuống rốn để thấm hút lượng nước thừa còn bám ở rốn. Tiếp đó, lấy tăm bông thấm dung dịch cồn 70 độ và lau xung quanh chân rốn ( chỉ lau một lần duy nhất). Sau đó, tiếp tục dùng tăm bông mới thấm cồn và lau chân rốn thêm 1 lần nữa.
Vệ sinh mắt, mũi và tai
Sau khi đã vệ sinh cuống rốn xong, các mẹ hãy đặt bé nằm để chuẩn bị vệ sinh mắt, mũi và tai cho bé bằng cách:
- Vệ sinh mắt: Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt, mỗi bên 1 giọt. Nếu thời tiết chuyển lạnh, cần xoa chai nước muối sinh lý trong lòng bàn tay khoảng 10 giây để làm dung dịch ấm lên khiến bé bớt khó chịu. Khi nhỏ mắt, mẹ không nên để đầu thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt của bé.
- Vệ sinh mũi: Bạn thực hiện tương tư như vệ sinh mắt.
- Vệ sinh tai: Lấy tăm bông thấm dung dịch NaCl 0.9% làm sạch xung quanh vành tai. Không được vệ sinh bên trong lỗ tai như người lớn các mẹ nhé.
Lưu ý quan trọng khi tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn
Các bước tắm cho bé sơ sinh chưa rụng rốn về cơ bản không có gì khác biệt nhiều so với trẻ sơ sinh đã rụng rốn. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau đây để chăm sóc rốn cho bé đúng cách nhé.
- Các mẹ sử dụng bông sạch để thấm hút phần nước bám vào rốn của bé sau khi tắm. Có thể ngâm cả người bé trong chậu nước, nhưng khi lau khô người cần phải dùng bông sạch để hút khô phần nước bám vào rốn bé.
- Không tắm quá 10 phút vì dễ khiến cơ thể trẻ sơ sinh bị mất nhiệt.
- Dùng tăm bông sạch để bôi dung dịch sát khuẩn cồn 70 độ hay dung dịch betadine được dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để vệ sinh chân rốn.
- Cần kiểm tra kỹ lưỡng xem rốn đã khô ráo hoàn toàn chưa trước khi mặc quần áo cho bé.
- Không được bôi bất kỳ loại kem dưỡng hay bài thuốc dân gian nào lên rốn của bé khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Vì làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi các tác nhân từ môi trường. Vì vậy, mẹ nên chọn lựa và sử dụng các loại sữa tắm thảo dược để tắm cho bé. ((Xem gợi ý: Review 5 loại sữa tắm thảo dược cho bé được nhiều mẹ bỉm sữa tin dùng)
- Mặc tã giấy dưới rốn của bé để tã không bít kín rốn gây bí.
- Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường nào như rốn có dịch ướt, mùi hôi, chảy máu hay mủ…cần đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra.
Xem thêm: Tắm cho bé vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?