Làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị hăm tã. Mặc dù đa số các trường hợp bị hăm tã không gây nguy hiểm nhưng lại khiến bé quấy khóc vì khó chịu, ngứa ngáy. Nhiều cha mẹ bối rối và không biết nên làm thế nào khi bé bị hăm tã. Vậy, cha mẹ hãy cùng Fonscare tìm hiểu nguyên nhân và cách xử trí khi bé yêu bị hăm tã nhé.
Mục lục
Hăm tã ở trẻ là gì?
Hăm tã (hay còn được gọi là phát ban tã) là dạng viêm da ở vùng bé mặc tã. Hăm tã thường gặp ở các bé trong giai đoạn từ 3 – 15 tháng tuổi. Khi bị hăm, vùng da đó sẽ ửng đỏ, sáng bóng và gây cảm giác khó chịu. Phần lớn các bé bị hăm tã do không được thay tã thường xuyên hoặc bị cọ xát nhiều.
Khi bị hăm tã, vùng da quấn tã và vùng da quanh bộ phận sinh dục bị đỏ rát, có kèm mùi khai khó chịu. Hăm kéo dài từ hậu môn sau đó lan tới mông và đùi. Vùng da bị hăm có thể nổi lên một số mụn nước dẫn tới ngứa ngáy, nếu gãi nhiều có thể gây ra các vết thương hở dễ gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm do ẩm ướt.
Một số trường hợp nặng, da bé bị loét, chảy nước, chảy máu và có mủ. Bé quấy khóc nhiều, lười ăn, ngủ không ngon giấc nên dễ dẫn tới sụt cân.
Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ
Hăm tã là tình trạng gặp khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến vùng da ở mông, bẹn bị đỏ và đau rát. Những nguyên nhân gây ra thường do:
Dị ứng với tã
Hăm tã ở trẻ có thể do bé bị dị ứng với chất liệu làm tã, giấy ướt để lau. Các hóa chất dùng tạo mùi thơm cho tã giấy hay xà phòng sử dụng để giặt tã cũng có thể gây kích ứng da bé.
Da bé cọ xát với bỉm
Khi các mẹ quấn tã hay dùng bỉm quá chật hoặc chất liệu cứng sẽ khiến da của bé bị chà xát với bỉm. Nếu sử dụng bỉm kém chất lượng hoặc sử dụng chất tẩy rửa mạnh khi vệ sinh tã sẽ khiến làn da vốn mỏng manh của bé bị kích ứng với các chất gây viêm. Và đây là nguyên nhân khiến hăm tã ở trẻ xảy ra nhiều hơn.
Da bé bị ẩm ướt
Làn da của bé vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là ở những vùng da xung quanh bộ phận sinh dục. Dù bạn cho bé dùng những chiếc bỉm thấm hút tốt tới mức nào thì cũng có thể gây ẩm ướt da, đặc biệt nếu như bé luôn đóng bỉm tã 24/24h. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh khiến da bé bị hăm, viêm da.
Nhiễm nấm, nhiễm virus
Có nhiều loại ký sinh trùng hay nấm xuất hiện trên da của bé. Bình thường chúng không gây nguy hại, nhưng khi có điều kiện thuận lợi ( da ẩm ướt, nước tiểu hay phân mà chưa vệ sinh sạch sẽ) chúng sẽ sinh sôi, phát triển làm đỏ da, nổi mụn nhỏ gây ngứa rát, khó chịu.
Thực phẩm lạ
Trẻ bị hăm tã do ăn các loại thực phẩm lạ thường xảy ra khi các bé bước vào thời kỳ ăn dặm. Do chức năng hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, nên khi dung nạp những thực phẩm lạ bé dễ khiến bé bị tiêu chảy. Đi ngoài nhiều lần trong ngày khiến vùng da quanh hậu môn có thể bị tổn thương, tấy đỏ và dẫn tới hăm da.
Triệu chứng trẻ bị hăm tã
Để chữa hăm cho bé một cách hiệu quả, bạn cần nhận biết các dấu hiệu khi bé bị hăm tã. Dưới đây là những biểu hiện khi trẻ bị hăm tã mà cha mẹ nên lưu ý:
- Vùng da quấn tã và vùng da xung quanh bộ phận sinh dục bị đỏ, có kèm theo mùi khai khó chịu. Vùng da bị đỏ đầu tiên là ở hậu môn, sau đó lan dần ra mông, đùi. Khi bé bị hăm nặng, vùng da quanh hậu môn có màu đỏ tươi, sau đó loét đỏ, chảy máu có thể dẫn tới nhiễm khuẩn.
- Phần da bị hăm có thể khô hoặc ướt hơn so với bình thường. Ở một số trẻ, vùng da bị hăm có thể bị khô hay nứt nẻ, đặc biệt là ở những vị trí có nhiều nếp gấp. Cũng có một số trường vùng da bị hăm trở nên ẩm ướt hơn, da tiết ra các chất dịch và có mùi hôi.
- Vùng da bị hăm có màu đỏ và có thể nổi những mụn li ti, sau đó phát triển thành các mụn nước. Mụn nước vỡ ra có thể dẫn tới lở loét, sưng viêm.
- Bé thường quấy khóc mỗi khi đi tiểu hoặc khi mẹ vệ sinh, lau rửa vùng mông bẹn hay thay tã mới cho bé.
- Bé quấy khóc nhiều do ngứa, đau rát, thậm chí ăn kém, ngủ không sâu giấc.
Cha mẹ cần nhận biết sớm và có hướng xử lý đúng cách tránh trường hợp để hăm tã nặng có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, da loét đỏ, viêm nhiễm.
Hướng dẫn cách điều trị hăm tã đúng cách
Tùy thuộc vào tình trạng hăm ở bé nặng hay nhẹ mà chúng ta có những biện pháp xử lý khác nhau. Cụ thể:
Hăm ở dạng nhẹ
Nếu cha mẹ phát hiện bé bị hăm sớm và có biện pháp xử lý ngay thì vùng da bị hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Điều quan trọng mà cha mẹ cần chú ý tới việc vệ sinh hàng ngày cho bé. Cần dùng nước ấm rửa sạch và rửa vùng kín cho bé. Sau đó, lau khô và thay tã mới. Mỗi lần lau rửa cho bé, mẹ cần phải nhẹ nhàng, tránh gây đau và làm xước da bé.
Lựa chọn khăn ướt đảm bảo chất lượng để lau khô da của bé, tốt nhất nên chọn loại không cồn và không mùi. Khi bé bị hăm, càng hạn chế sử dụng bỉm cho bé càng tốt. Bạn cũng cần rửa tay sạch trước và sau khi thay tã cho bé nhé.
Để cải thiện hăm, mẹ chỉ cần dùng kem chống hăm bôi vào các vết hăm. Các mẹ có thể lựa chọn những loại kem có chứa dexpanthenol (chất tiền vitamin B5) nhằm duy trì độ ẩm cho da bé đồng thời giúp da nhanh chóng hồi phục mà không bị khô hay tróc vảy.
Khi bé bị hăm, không nên sử dụng phấn rôm để rắc vào chỗ hăm vì các tinh thể phấn rôm có thể khiến vùng da bị hăm càng tổn thương nặng hơn.
Bạn cũng cần lưu ý, không nên sử dụng các loại kem thoa có chứa thành phần corticoid, trừ những trường hợp được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng cụ thể.
Hăm ở dạng nặng
Khi tình trạng hăm trở nên nghiêm trọng hoặc có mủ, không nên bôi kem cho bé. Các mẹ cần vệ vùng da bị hăm sạch sẽ cho bé, sau đó nhúng mông của bé vào chậu nhỏ đã pha sẵn baking soda. Đây là mẹo giúp trung hòa axit trong phân và nước tiểu. Cuối cùng, mẹ lau khô cho bé bằng khăn sạch mềm.
Trường hợp hăm tã nặng có bội nhiễm hoặc nhiễm nấm cần phải đưa bé tới bác sĩ để thăm khám cụ thể. Tùy thuộc vào tình trạng bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp cho bé.
- Khi bé sốt cao cần phải dùng thêm thuốc hạ sốt.
- Bội nhiễm lan rộng cần sử dụng thuốc kháng sinh, dung dịch vệ sinh để làm sạch vùng da bị tổn thương.
- Nếu bội nhiễm theo dạng viêm da cần cho bé sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị viêm da để cải thiện tình trạng.
Khi bé bị hăm tã do nhiễm nấm bạn cần dùng kem chống nấm. Tuy nhiên, khi sử dụng loại kem chống hăm nào cũng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để làm giảm nguy cơ dị ứng.
Các mẹ cũng không nên dùng kem chống hăm chung cho nhiều trẻ. Khi thoa kem cho con, nếu ngón tay bạn chạm vào vùng da bị hăm thì không nên dùng ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa. Hãy dùng ngón tay khác để lấy kem thoa cho bé. Sau khi thay bỉm, bạn cũng nên để da bé tiếp xúc với không khí một khoảng thời gian nhất định để con cảm thấy thoải mái, dễ chịu đồng thời các vết hăm cũng mau lành hơn.
Nên và không nên làm gì khi bé bị hăm?
6 điều nên làm khi bé bị hăm tã
Làn da của bé vốn dĩ đã rất nhạy cảm, khi bị hăm lại càng dễ tổn thương. Để da bé mau lành, cha mẹ cần chú trọng hơn mỗi khi chăm sóc bé. Dưới đây là một số việc các bạn nên làm để cải thiện hăm tã:
Vệ sinh vùng da bị hăm sạch sẽ
Bạn cần vệ sinh sạch sẽ vùng da bị hăm của bé mỗi ngày để loại bỏ các tác nhân gây hăm tã như mồ hôi, nước tiểu, phân, vi khuẩn…Mỗi khi lau khô da bé, mẹ cần dùng khăn mềm kết hợp thao tác nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương vùng hăm tã.
Hướng dẫn làm sạch vùng da bị hăm của bé như sau:
- Mẹ cần rửa sạch tay bằng xà phòng sát khuẩn.
- Vệ sinh vùng da tiếp xúc với tã lót bằng nước ấm khoảng 35 – 38 độ C hoặc nước tắm chuyên dụng. Các thao tác cần thực hiện một cách nhẹ nhàng kết hợp massage giúp bé dễ chịu.
- Bạn cần thực hiện vệ sinh cho bé sau mỗi lần thay tã mới.
Thay tã thường xuyên
Bất kể trẻ bị hăm hay không bạn cũng nên thay tã cho bé thường xuyên. Với trẻ bị hăm nên thay tã 4h/lần, nếu bé ị cần phải thay tã mới ngay. Trước khi thay tã bạn nên vệ sinh vùng da bị hăm sạch sẽ và khô ráo. Mục đích của việc thay tã thường xuyên là nhằm giữ cho vùng da mông khô thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm ướt hay tiếp xúc với chất bẩn. Từ đó loại bỏ nguy cơ gây kích ứng da, loại bỏ môi trường sinh sôi của nấm, vi khuẩn khiến da bé bị hăm.
Hạn chế dùng tã/ bỉm cho bé
Để vùng da bị hăm được khô thoáng một cách tự nhiên, giảm bớt sự khó chịu bạn nên hạn chế mặc bỉm cho bé. Mẹ có thể cho con mặc quần áo với chất liệu mỏng, thoáng mát, thấm hút tốt để đảm bảo vùng da bị hăm được thông thoáng.
Dùng tã có độ thấm hút tốt
Bạn nên lựa chọn các loại tã/bỉm có độ thấm hút tốt để đảm bảo da bé được khô thoáng. Từ đó da giảm kích ứng, hạn chế da phải tiếp xúc với nước tiểu hoặc mồ hôi gây hăm tã.
Loại tã nên dùng cần có chất liệu bông mềm mại, công nghệ khóa ẩm tốt hoặc các hạt hút ẩm có khả năng giữ nước và chống thấm ngược.
Chọn kích cỡ tã/bỉm chuẩn
Một trong những nguyên nhân khiến bé thường xuyên bị hăm là do lựa chọn sai kích cỡ của tã. Dùng tã quá chật gây bí mồ hôi, tăng ma sát giữa da và tã gây kích ứng da, khiến da trầy xước, tổn thương da dẫn tới hăm tã. Vì vậy, các mẹ nên chọn kích thước tã phù hợp với bé yêu của mình nhé.
Lựa chọn kem trị hăm tã phù hợp
Kem trị hăm tạo một lớp màng để bảo vệ da, ngăn ngừa các yếu tố gây hại tiếp xúc và tấn công vùng da bị hăm. Kem giúp giảm viêm, cân bằng độ ẩm, làm dịu vùng da bị hăm đồng thời cung cấp các dưỡng chất giúp vùng da bị hăm tã mau lành.
Khi lựa chọn kem chống hăm bạn cần lưu ý các điểm sau:
- Cần lựa chọn các loại kem có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Thành phần không chứa cồn, hương liệu, chất chống viêm Corticoid.
- Phù hợp với độ tuổi của bé.
Với trường hợp bé bị hăm tã, bạn cần cân nhắc khi sử dụng kem trị hăm cho bé. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại kem hay thuốc trị hăm nào.
Không nên làm khi bé bị hăm tã?
Để vùng da bị hăm tã mau lành, các mẹ cần tránh làm một số điều sau nhé.
Thoa phấn rôm trị hăm cho bé: Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm để trị hăm cho bé. Nguyên nhân vì phấn rôm có chứa các hạt phấn với kích thước nhỏ có thể gây bít tắc lỗ chân lông khiến hăm càng nặng hơn.
Quên thay tã nhiều giờ cho bé: Khi bé phải đeo tã trong nhiều giờ khiến vùng da mông tiếp xúc với chất bẩn trong thời gian dài. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và các yếu tố có hại phát triển gây hại da bé, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn tiết niệu…
Mặc tã chật: Tã chật gây cọ xát và làm tổn thương da bé khiến da càng bị hăm nặng hơn. Quấn tã chật khiến vùng da mặc tã bí bách khiến bé càng cảm thấy khó chịu.
Mặc tã cho bé cả ngày: Khi cho bé mặc tã cả ngày khiến vùng da mông nóng bức, bé dễ đổ mồ hôi khiến vùng quấn tã bị ẩm ướt dễ gây hăm tã.
Tự ý dùng kem bôi da cho bé: Nhiều mẹ tự ý mua thuốc để trị hăm cho bé tại nhà. Tuy nhiên, những loại kem này có thể chứa các chất độc hại, corticoid…khiến da bé bị kích ứng và tăng nguy cơ ung thư da, bệnh nội tiết gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào nhé.
Một số mẹo trị hăm tại nhà cho bé
Dầu dừa
Dầu dừa có tính kháng khuẩn, kháng nấm nên thường dùng để trị hăm tã cho bé. Bạn chỉ cần dùng một ít dầu dừa thoa một lớp mỏng lên vùng da bị phát ban của bé giúp giữ ẩm, làm mềm và làm dịu da bé. Bạn cần rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi thoa cho bé. Dầu dừa được dùng phải nguyên chất để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Sữa mẹ
Chắc hẳn bạn sẽ rất bất ngờ với công dụng trị hăm tã từ sữa mẹ. Trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng sinh tự nhiên có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch da nên giảm triệu chứng của hăm tã. Đây là mẹo trị hăm được khá nhiều mẹ áp dụng và mang lại hiệu quả tốt. Để thực hiện bạn chỉ cần nhỏ vài giọt sữa lên vùng da bị hăm của bé và để khô trong không khí trước khi thay tã mới cho bé
Giấm
Khi bé mặc tã trong thời gian quá lâu mà không được thay mới, làn da phải tiếp xúc với nước tiểu và phân dễ gây bỏng, hăm tã, phát ban. Để cải thiện tình trạng này, bạn chỉ cần dùng một ít giấm để trung hòa và cân bằng độ pH. Để thực hiện, bạn cho nửa chén giấm vào chậu nước nhỏ, sau đó ngâm tã vải trong dung dịch này. Hoặc dùng 1 thìa cà phê giấm trắng pha vào nước và dùng dung dịch này để lau cho bé mỗi khi thay tã mới.
Bột yến mạch
Hàm lượng protein cao có trong yến mạch giúp làm dịu da và tạo thành hàng rào tự nhiên bảo vệ da bé. Hợp chất saponin có trong yến mạch còn giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu từ các lỗ chân lông. Bạn chỉ cần cho 1 muỗng canh yến mạch khô vào nước tắm của bé và ngâm khoảng 10 – 15 phút sau đó tắm lại cho bé. Nếu hăm tã nghiêm trọng hơn, bạn nên tắm bằng yến mạch 2 lần/ngày để mang lại hiệu quả tốt.
Nha đam
Không những có đặc tính chống viêm, nha đam còn giàu vitamin E nên có tác dụng rất tốt trong việc điều trị hăm tã ở bé. Bạn chỉ cần lấy 1 lát mỏng lá nha đam thoa lên vùng da bị hăm và để khô tự nhiên rồi mới mặc tã mới cho bé. Bạn nên lựa chọn lá nha đam không có thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản để tránh làm tổn thương da bé.
Tinh dầu tràm
Tinh dầu tràm được nhiều mẹ sử dụng để điều trị hăm tã mang lại hiệu quả rất tốt. Bạn chỉ cần lấy 3 giọt tinh dầu tràm và thoa lên vùng da bị hăm tã của bé. Chỉ vài ngày sau bạn sẽ nhận thấy vùng da bị tổn thương lành lại rất nhanh chóng.
Hăm tã ở trẻ khi nào cần gặp bác sĩ?
Trẻ bị hăm tã khiến cha mẹ rất lo lắng và luôn thắc mắc có phải đưa bé tới viện không. Câu trả lời là phần lớn các trường hợp bị hăm tã đều có thể điều trị tại nhà. Khi bé có những dấu hiệu sau đây, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để tránh những biến chứng có thể xảy ra:
- Vùng da bị hăm bị sưng, sần sùi và xuất hiện các mụn nước, mụn mủ gây lở loét.
- Hăm lan rộng sang nhiều khu vực khác.
- Trẻ khó chịu, quấy khóc cả ngày, bỏ ăn.
- Sốt không rõ nguyên nhân.
Đây là những dấu hiệu cho thấy các vết hăm đã bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Nếu không đưa bé đi khám và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Biện pháp ngăn ngừa hăm tã ở trẻ em
Tuy hầu hết các trường hợp hăm tã ở trẻ không gây nguy hiểm nhưng lại khiến bé cảm thấy đau đớn và khó chịu. Bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ gặp phải tình trạng này bằng các biện pháp sau:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng mông, bẹn cho bé hàng ngày, đặc biệt là sau mỗi lần trẻ đi tiêu hoặc đi tiểu.
- Để mông của bé thông thoáng nhiều lần trong ngày, thay vì mang tã suốt cả ngày. Điều này không chỉ giúp vùng da mặc tã của bé khô thoáng mà còn khiến bé bớt cảm thấy khó chịu do tã cọ xát vào da.
- Lựa chọn nhãn hiệu tã phù hợp với bé, nếu thấy bé bị hăm mẹ có thể cho bé thử sử dụng một loại tã khác. Rất có thể tã bé đang sử dụng có mùi hương hoặc chất liệu gây kích ứng làn da vốn dĩ rất nhạy cảm của bé. Khi chọn tã, bạn nên chọn loại có kích cỡ phù hợp, tránh để bé cảm thấy chật chội, bí bách dẫn tới hăm tã.
- Thay tã cho bé thường xuyên, khi thay bỉm cho bé cần vệ sinh sạch sẽ, để vùng da khô ráo rồi mới mặc bỉm mới cho bé. Trước và sau khi thay tã cho bé, bạn nên rửa tay thật sạch để tránh nhiễm trùng.
- Tránh lạm dụng phấn rôm để làm khô vùng mông, phấn rôm có thể gây bí tắc lỗ chân lông khiến hăm tã càng nặng nề hơn. Hoặc bé có thể bị vấn đề về phổi nếu hít phải phấn quá nhiều.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần biết về hăm tã ở trẻ. Hi vọng những chia sẻ này sẽ mang lại cho cha mẹ nhiều kiến thức hữu ích để chăm sóc bé yêu của mình một cách tốt nhất.