Hăm da là tình trạng khá nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp phải. Tuy không quá nguy hiểm nhưng gây ra những khó chịu khiến bé quấy khóc, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Thậm chí có những trường hợp điều trị không đúng cách có thể chuyển thành nấm hoặc nhiễm khuẩn. Bạn chỉ cần quan sát da của bé là có thể biết bé có bị hăm da hay không. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số hình ảnh nhận biết hăm da ở trẻ, các mẹ cùng theo dõi nhé.
Mục lục
Hình ảnh trẻ bị hăm da theo vị trí
Làn da của bé mỏng manh và nhạy cảm hơn da người lớn nên dễ bị hăm. Nguyên nhân do da thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt trong nhiều giờ. Vùng da bị hăm sưng đỏ, đau rát khiến bé rất khó chịu, quấy khóc, nhất là mỗi lần đi vệ sinh hoặc thay tã mới.
Những vùng da dễ bị hăm phải kể đến như vùng mông, hai bẹn, háng, xung quanh bộ phận sinh dục, cổ, tai…Dưới đây là hình ảnh trẻ bị hăm tại từng vị trí, cha mẹ hãy quan sát để nhận biết dễ dàng khi bé yêu bị hăm nhé.
Vùng da tiếp xúc với tã/bỉm
Đây là khu vực da rất dễ bị hăm do thường xuyên phải tiếp xúc với tã/bỉm. Khi bé không được thay tã thường xuyên, vùng da quấn tã tiếp xúc với nước tiểu và phân trong nhiều giờ. Kết hợp với việc vệ sinh da kém tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm men phát triển gây hăm tã.
Ngoài ra, hăm tã xảy ra dùng tã quá chật, chất liệu tã thấm hút kém khiến da của bé luôn trong trạng thái ẩm ướt. Chất liệu tã thô cứng cọ xát vào da bé cũng dẫn tới hăm da. Do đó, bên cạnh vệ sinh vùng da quấn tã sạch sẽ cha mẹ cần lựa chọn loại tã chất lượng tốt, kích thước phù hợp với bé để làm giảm nguy cơ gây hăm tã nhé.
Những vùng da tiếp xúc với tã thường xuyên dễ bị hăm phải kể tới vùng da mông, bẹn, háng, hậu môn, vùng kín. Sau đây là một số hình ảnh bé bị hăm tại những vị trí trên:
Hình ảnh bé bị hăm mông
Hình ảnh bé bị hăm bẹn, háng
Hình ảnh bé bị hăm hậu môn
Hình ảnh bé bị hăm vùng kín
Hình ảnh bé bị hăm tã nặng, nguy cơ dẫn tới xuất tiết và bội nhiễm
Vùng da quanh cổ
Những bé bụ bẫm, mũm mĩm có nhiều ngấn ở cổ nên rất dễ bị hăm cổ. Vùng ngấn cổ là nơi tiết ra nhiều mồ hôi. Nếu mẹ không vệ sinh cẩn thận cho bé khiến mồ hôi ứ đọng lại hoặc thức ăn, sữa rơi vãi vào mà không được lau kĩ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra vết hăm ở trẻ.
Mặt khác, các nếp gấp ở cổ thường xuyên cọ xát vào nhau, tác động trực tiếp tới tuyến mồ hôi. Điều này tạo môi trường thuận lợi để nấm men hay vi khuẩn gây hại da bé, dẫn tới hăm da.
Khi chăm sóc bé, nhiều mẹ sợ bé yêu bị lạnh nên thường quấn khăn ở cổ cho bé thường xuyên khiến lỗ chân lông bít tắc. Vùng da cổ không được thông thoáng càng tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công mạnh.
Hình ảnh bé bị hăm cổ
Vùng da có nhiều nếp gấp (ngấn tay, ngấn chân, nách)
Những bé phát triển cân nặng nhanh thường có nhiều ngấn ở tay, chân, nách…Đây là những vùng da dễ bị cọ xát và đọng nhiều mồ hôi nên thường xuyên ẩm ướt. Nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh vùng da này liên tục sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ gây viêm nhiễm dẫn tới hăm.
Hình ảnh bé bị hăm ngấn tay
Hình ảnh bé bị hăm ngấn chân
Hình ảnh bé bị hăm ở nách
Phần vành tai
Đây là vùng da khó vệ sinh, nếu cha mẹ không vệ sinh kỹ khiến mồ hôi, dầu tiết ra giữ lại bụi bẩn và tạo môi trường sống cho vi khuẩn, nấm gây hại cho da. Dấu hiệu nhận biết bé bị hăm tai là vành tai đóng vảy và có mùi hôi khó chịu.
Hình ảnh bé bị hăm tai
Để vệ sinh vành tai, mẹ nên dùng tăm bông loại nhỏ lau nhẹ nhàng để có thể vệ sinh kỹ nhất. Mẹ không nên sử dụng kem chống hăm ở vùng da này vì bé có thể chạm vào và ngậm tay vào miệng. Phấn rôm cũng không được các chuyên gia khuyến khích sử dụng.
Mẹ nên dùng dầu dừa để thay thế cho các sản phẩm trên cải thiện hăm tai ở bé nhé. Dầu dừa không những an toàn với bé mà còn tạo lớp bảo vệ da khá tốt.
Hình ảnh bé bị hăm tã theo cấp độ
Theo bác sĩ da liễu, hăm tã ở bé trải qua 5 cấp độ khác nhau. Da của bé từ những vết ửng đỏ, căng da cho tới những vết đỏ đậm hơn, nổi mụn, lở loét khiến bé đau rát, khó chịu. Thông thường, khi mẹ phát hiện bé bị hăm đã ở cấp độ 3. Dưới đây là 5 cấp độ hăm tã ở trẻ, có kèm theo hình ảnh và dấu hiệu của từng cấp độ.
Cấp độ 1 (cấp độ nhẹ)
Hăm ở cấp độ 1 vùng da mông, bẹn của bé có màu ửng hồng hơn vùng da bên cạnh. Vùng da bị hăm diện tích nhỏ, có thể xuất hiện những mụn nhỏ li ti. Tuy da bị hăm nhưng vùng da này vẫn khô ráo.
Cấp độ 2
Những vết ửng đỏ có diện tích nhỏ trên da xuất hiện nhiều hơn, chúng nằm rải rác quanh khu vực quấn tã. Vùng da ở mông, bẹn, quanh vùng da quấn tã chuyển sang màu đỏ sậm hơn, có thể kèm những mụn nhỏ li ti.
Cấp độ 3 (trung bình)
Những vết ửng đỏ trên da có diện tích lớn hơn, vết hăm cũng màu đậm và rõ ràng. Chúng xuất hiện từ rải rác tới dày đặc trên da bé. Tình trạng hăm tã ở trẻ ngày càng xấu đi khiến bé cảm thấy đau rát, khó chịu nên hay quấy khóc, chán ăn, ngủ không sâu giấc.
Cấp độ 4
Khi hăm tã ở cấp độ 4, vùng da mặc tã xuất hiện những vết hăm rõ rệt. Da của bé xuất hiện những nốt sần, có thể hơi sưng. Sau đó da trở nên đỏ dữ dội, có thể xuất hiện mụn mủ. Khi có mụn mủ xuất hiện, tình trạng đau rát sẽ tăng lên khiến bé cảm thấy rất khó chịu.
Cấp độ 5 (cấp độ nặng và nguy hiểm)
Da của bé xuất hiện những vết hăm có màu đỏ nặng với diện tích lớn. Da của bé bị sưng, phù nề, những vết sần có mủ trắng khiến bé đau đớn.
Hăm da ở trẻ tuy là bệnh thường gặp nhưng dễ điều trị dứt điểm tại nhà chỉ sau 3 – 4 ngày. Cha mẹ luôn luôn quan sát mọi sự thay đổi ở bé để phát hiện sớm hăm da và có biện pháp điều trị kịp thời tránh để bệnh trở nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nếu tình trạng hăm da không thuyên giảm sau 3 ngày, bé xuất hiện các dấu hiệu khác đi kèm như sốt, tiêu chảy…cha mẹ cần đưa trẻ tới trung tâm y tế ngay lập tức để được thăm khám và điều trị.
Hướng dẫn xử trí hăm da ở trẻ em
Hăm da tuy không quá nguy hiểm nhưng khiến trẻ khó chịu, cáu gắt do đau rát. Hăm da nặng có thể gây ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày của bé như ăn uống, vận động và ngủ. Để cải thiện hăm ở trẻ, cha mẹ có thể tham khảo một số cách sau đây.
Vệ sinh da sạch sẽ
Mẹ cần vệ sinh da cho bé sạch sẽ bằng nước ấm, nhất là vùng da đóng tã cho bé. Khi lau rửa cho bé cần nhẹ nhàng, tránh làm đau bé hoặc gây xây xước da. Sau khi tắm rửa xong mẹ dùng một khăn sạch mềm lau khô da cho bé trước khi mặc tã mới.
Thay tã/bỉm thường xuyên
Nguyên nhân khiến nhiều bé bị hăm do mẹ không thay tã/bỉm thường xuyên khiến da bé tiếp xúc với nước tiểu, phân trong thời gian dài dẫn tới hăm. Cha mẹ hãy kiểm tra tã/bỉm của bé liên tục, sau 2 – 4 giờ thay tã mới một lần hoặc sau khi đại tiện. Cần lau rửa sạch sẽ, lau khô da cho bé trước khi mặc tã mới.
Chọn loại tã/bỉm phù hợp
Mẹ lựa chọn loại tã/bỉm có chất liệu đảm bảo an toàn, thấm hút tốt. Đồng thời, chọn kích thước phù hợp với bé để tránh gây cọ xát lên da bé.
Tránh lạm dụng phấn rôm
Nhiều mẹ có thói quen sử dụng phấn rôm để làm khô vùng da quấn tã hoặc các vùng da có nếp gấp của bé. Tuy nhiên, sử dụng phấn rôm có thể gây bít tắc lỗ chân lông khiến bệnh trầm trọng hơn. Trẻ hít phải phấn quá nhiều cũng có thể dẫn tới vấn đề về phổi. Khi bé có dấu hiệu bị hăm da, các bác sĩ khuyên tốt nhất không nên dùng phấn rôm.
Ngưng đóng tã/bỉm cho bé
Khi thấy bé có các dấu hiệu đầu tiên của hăm như da ửng đỏ, căng bóng, sau đó các vết hăm đậm hơn gây đau rát mẹ nên cân nhắc bỏ bỉm cho bé. Hoặc chỉ sử dụng bỉm khi bé đi ngủ để làn da bé được thông thoáng, vùng da bị hăm sẽ nhanh chóng được phục hồi.
Dùng thuốc bôi ngoài da
Hiện nay có nhiều sản phẩm kem chống hăm tã cho bé, cha mẹ có thể tham khảo sử dụng cho bé. Hãy lựa chọn những loại kem đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo và phù hợp với bé yêu của mình.
- Với thuốc bôi, mẹ có thể pha gói thuốc tím với 2 lít nước ấm để làm sạch vùng da bị hăm. Sau đó, thấm khô bằng khăn mềm và thoa một lượng thuốc mỏng.
- Hoặc mẹ có thể dùng cách khác, sau khi rửa sạch sẽ và lau khô da bé hãy bôi lớp thuốc mỡ Bepanthen (Dexphanthenol) lên vùng da bị hăm của bé 2 lần/ngày.
- Để trị hăm cho bé mẹ cũng có thể dùng thuốc Xanh methylen, Betadine. Tắm rửa sạch sẽ, lau khô da cho bé rồi dùng tăm bông y tế thoa thuốc lên vùng da bị hăm tã của bé.
Xem chi tiết về: Các loại thuốc bôi trị hăm cho trẻ
Dùng bài thuốc dân gian
Lá trà xanh
Mẹ có thể nấu nước trà xanh để trị hăm cho bé hiệu quả. Chỉ cần chuẩn bị 1 nắm lá trà xanh, rửa sạch và đun sôi với nước. Để nguội rồi lọc nước, bỏ bã để lau rửa vùng da bị hăm của bé. Tinh chất tannin có trong trà xanh giúp hút ẩm, giúp da bé khô thoáng, các vùng da bị tổn thương phục hồi dần.
Lá khế
Lá khế trị hăm ở bé là mẹo dân gian được nhiều mẹ áp dụng. Mẹ chỉ cần chuẩn bị 1 nắm lá khế, rửa sạch, giã nát với chút muối và cho thêm nước sôi để nguội vào và chắt lấy nước. Dùng bông y tế chấm vào nước và bôi lên vùng da mà bé bị hăm, không nên chấm quá nhiều.
Xem thêm: Những lưu ý quan trọng khi mẹ tắm nước lá chè xanh cho bé
Búp ổi hoặc lá ổi
Chuẩn bị lá ổi hoặc búp ổi non, rửa sạch và ngâm nước muối để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn gây hại cho da. Sau đó, cho vào nồi đun với nước, chờ nước nguội rửa cho bé ngày 3 lần.
Cỏ roi ngựa
Cỏ roi ngựa mẹ cần rửa sạch và sao khô để dùng trị hăm cho bé. Sau đó, cho vào nước sôi hãm khoảng 15 phút. Lấy bông mềm thấm nước cỏ roi ngựa và chấm lên vết hăm da của bé, để tự khô. Bạn nên thực hiện ngày 2 – 3 lần để cải thiện hăm da.
Lá trầu không
Chuẩn bị 4 lá trầu không, rửa sạch và ngâm nước muối để loại sạch bụi bẩn và vi khuẩn. Đun sôi lá trầu không rồi để nguội, lấy khăn sạch mềm thấm nước và lau lên vùng da bị hăm của bé ngày 3 lần. Mẹ hãy thực hiện cho bé ngày 3 lần, hăm da sẽ nhanh chóng biến mất.
Các mẹo dân gian chỉ áp dụng khi các vết hăm của bé không quá nghiêm trọng. Khi bé bị hăm mà được phát hiện sớm và xử lý đúng cách, vùng hăm da của bé sẽ nhanh chóng được phục hồi.