Mụn sữa là những mụn nhỏ li ti, màu trắng có vùng da đỏ bao quanh thường xuất hiện trên mũi, má hoặc cằm của em bé. Chúng thường xuất hiện ngay sau khi bé chào đời hoặc một vài tuần sau khi sinh.
Tùy theo cơ địa của từng bé mà tình trạng mọc mụn sữa nhiều hoặc ít. Tuy nhiên, chúng sẽ biến mất sau một vài tuần mà không cần biện pháp chữa trị nào. Mụn sữa xuất hiện hầu hết ở các trẻ sơ sinh vì vậy cha mẹ cần phân biệt được mụn sữa và mụn cám, rôm sảy của trẻ nhỏ để có hướng điều trị cho hiệu quả.
Mục lục
Triệu chứng mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Mụn sữa trên mặt trẻ sơ sinh (ảnh minh họa)
Mụn sữa là những nốt mụn nhỏ li ti hoặc mụn đỏ. Mụn sữa có thể mọc ở bất kỳ đâu trên khuôn mặt nhưng thường hay gặp nhất ở má, mũi và dưới cằm của trẻ. Thậm chí, một số bé có thể mọc mụn sữa ở lưng, ngực hay cổ. Tình trạng mụn sữa có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ quấy khóc, thời tiết nóng bức hoặc da của trẻ tiếp xúc với quần áo vải thô rát…
Nguyên nhân của mụn sữa là gì?
Nguyên nhân gây ra mụn sữa ở trẻ sơ sinh hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể liên quan tới những lí do sau đây:
- Do thời kỳ mang thai, hormone của mẹ chuyển sang bé qua bánh nhau làm kích thích tuyến dầu của bé phát triển, làm cho bã dầu của bé tăng lên làm bít kín các lỗ chân lông nên gây ra tình trạng mụn ở trẻ sơ sinh.
- Dược tính của thuốc: Do trong thời kỳ mang thai hoặc trẻ sơ sinh có vấn đề về sức khỏe và phải dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ là mụn sữa.
- Uống sữa bột có thể khiến trẻ sơ sinh bị mụn sữa vì trong sữa có nhiều đạm albumin.
- Trẻ quấy khóc thường xuyên hoặc tiếp xúc nhiều với sữa mẹ cũng có thể bị mụn sữa (Có nên tắm cho trẻ bằng sữa mẹ?)
- Mẹ ăn quá nhiều đồ nóng mà hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu cũng là nguyên nhân cho mụn của bé mọc nhiều hơn.
- Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra mụn sữa là do trẻ bị phì đại tuyến bã.
- Phản ứng dị ứng với một số tác nhân trong môi trường có thể gây ra mụn sữa ví dụ như nước xả vải, thời tiết, quần áo của bé,…
Làm sao để giúp bé nhanh thoát khỏi tình trạng mụn sữa?
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để giúp bé nhanh thoát khỏi sự khó chịu do mụn sữa gây ra, mẹ có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện sau:
Vệ sinh đúng cách cho bé khi bị mụn sữa
– Mẹ nên tắm rửa cho trẻ hàng ngày với nước ấm nhẹ. Xả nước vào tay và dùng tay kiểm tra nhiều lần trước khi cho trẻ vào. Tắm nhanh và dùng khăn mềm lau khô người rồi mặc quần áo, không nên sử dụng sữa tắm hay xà phòng trong giai đoạn trẻ bị mụn sữa.
– Thường xuyên thay quần áo, tã lót cho bé để giữ sự thông thoáng. Tránh tình trạng hăm, rôm sảy ở trẻ sơ sinh do bí, mồ hôi không thấm hút. Nếu mọc mụn sữa nhiều ở vùng bẹn, nách thì nên dùng phấn rôm chất lượng an toàn.
– Da của trẻ sơ sinh rất non và nhạy cảm vì thế mẹ nên cho bé mặc quần áo bằng vải cotton mềm, có thể hút ẩm tốt. Tránh mặc quá nhiều quần áo và các loại quần áo bó sát vào người. Mặt khác quần áo phải đảm bảo được giặt sạch sẽ, khô thoáng không nên sử dụng các loại quần áo lông vì chúng có thể gây ngứa cho trẻ đồng thời tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên da của bé. Trong thời gian bé bị mụn tuyệt đối không được dùng tay nặn, cậy những nốt mụn trên da trẻ vì như thế rất mất vệ sinh đồng thời làm cho da của bé bị viêm nhiễm.
– Mặt khác, môi trường trong nhà phải luôn sạch sẽ, không có các loại bụi bẩn. Những đồ dùng, chăn đệm, quần áo cho trẻ cần được sạch, thoáng, không bám bụi bởi chúng chính là nguyên nhân khiến da của trẻ bị ảnh hưởng.
– Tránh các sản phẩm có độ tẩy mạnh: Mụn của trẻ sơ sinh không phải là mụn trứng cá nên không nên dùng các sản phẩm retinoids (dẫn xuất của vitamin A) hoặc erythromycin thường có trong sản phẩm để trị mụn trứng cá cho người trưởng thành. Vì da của trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương hoặc có thể làm cho mụn bị viêm nhiễm trùng nặng hơn.
Quan tâm đến chế độ ăn uống của bé
– Đối với trẻ sơ sinh còn đang bú, sữa mẹ cần tiếp tục cho bé bú đều đặn để duy trì nguồn dinh dưỡng cho cơ thể bé.
– Ngoài việc chú ý đến chất lượng thức ăn cũng như thời gian cho bé ăn một cách hợp lý, mẹ cần đặc biệt chú ý đến thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ để hạn chế mụn sữa ở trẻ sơ sinh. Ăn các loại thức ăn dễ bị dị ứng có thể làm cho mụn của bé nổi mẩn và nóng nhiều hơn. Cách tốt nhất là các mẹ nên ăn các thực phẩm mát cho sữa mẹ. Đặc biệt, các bé đang bú mẹ thì mẹ cần chú ý tránh các loại thức ăn tanh hoặc cay gây ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Cách chăm sóc vùng da bị mụn sữa
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh không phải là một vấn đề nguy hiểm, nên các mẹ cũng không cần phải lo lắng quá. Tuy nhiên, nếu như mẹ muốn mụn nhanh chóng khỏi để trả lại làn da mịn màng cho bé, thì có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:
+) Tắm nước hạt mùi, hạt kê: Đây là phương pháp dân gian, được truyền qua nhiều thế hệ. Các mẹ tìm mua các loại hạt mùi hoặc hạt kê sạch, sau đó rửa sạch và đụn nước. Lấy nước này để tắm cho bé rất tốt, giúp trị mụn sữa hiệu quả.
Phương pháp này có ưu điểm là nguyên liệu rẻ, dễ kiếm, hiệu quả tốt, an toàn không độc hại. Tuy nhiên, có những bé không hợp cơ địa thì phương pháp này không phát huy hiệu quả cao.
+) Tắm lá sài đất: Tương tự khi sử dụng hạt mùi, hạt kê, tắm lá sài đất cũng là cách trị mụn sữa cho trẻ sơ sinh được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Lá sài đất là loại thực vật tự nhiên, dễ kiếm, thường gặp ở các bờ ruộng, hoặc góc vườn nơi gần nguồn nước có độ ẩm cao.
Sử dụng lá sài đất làm nước tắm rất an toàn, không có tác dụng phụ. Lá tính mát, giúp loại bỏ mụn một cách nhanh chóng, không gây kích ứng da. Cách làm lại rất đơn giản chỉ cần lấy lá sài đất rửa sạch rồi đun lấy nước. Sau đó lấy nước này pha ra cho bé tắm hằng ngày.
+) Tắm lá khế chua: Từ lâu, lá khế được lưu truyền trong dân gian như một phương thuốc trị mụn sữa, rôm sảy. Vì theo Đông y, lá khế có tính chất thanh nhiệt. Vì vậy , khi bé bị mụn sữa mẹ hoàn toàn có thể dùng lá khế để tắm cho bé.
Mẹ hãy lấy một nắm lá khế cho vào đun sôi lên, để nguội và lọc bỏ phần bã đi. Sau đó mẹ hãy tráng qua một lần nước ấm cho da bé sạch bụi bẩn và tắm cho bé bằng nước lá khế. Cuối cùng tráng lại bằng nước ấm đã đun để sạch.
Mỗi tuần mẹ chỉ cần tắm 3 lần cho bé bằng nước lá khế là được vì trong lá khế có nhựa, tắm nhiều da bé sẽ bị xỉn màu.
+) Tắm lá riềng: Ngoài công dụng trị mụn sữa, làm mát da, lá riềng còn giúp rụng bớt lông cáy của trẻ em, giúp bé có một làn da mịn màng. Cách đun nước tắm bằng lá giềng xem chi tiết bài viết này.
Tuy nhiên khi đun nước lá để tắm cho bé, các bậc cha mẹ cần chú ý một số điều sau:
- Một số loại cây chứa nhiều lông nếu không loại bỏ có thể gia tăng tình trạng mụn nhọt của bé
- Lá tắm cho bé phải đảm bảo không phun thuốc trừ sâu, trồng ở nơi sạch sẽ, rửa sạch sau khi hái và có thể loại bỏ một số tạp chất bằng cách: nước lá sau khi đun xong đổ qua một chiếc khăn màn sạch. Cách này có thể loại bỏ được một số loại sâu gây ngứa và lông tơ trên lá, hạn chế kích thích làn da non nớt của bé. Vì vậy, nếu không đảm bảo được vệ sinh khi tắm nước lá cho bé thì đôi khi việc tắm lá có thể phản tác dụng vì khiến bé bị nhiễm trùng và gây biến chứng khó lường.
- Nhiều mẹ cho rằng tắm nước lạnh giúp bé cảm thấy bớt nóng, bớt ngứa ngáy và khó chịu. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ làm cho lỗ chân lông co lại, gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi và làm cho tình trạng mụn của bé càng trở lên nghiêm trọng hơn. (Xem thêm: Nhiệt độ nước tắm phù hợp cho bé là bao nhiêu?)
- Không tắm lá khi da bé bị tổn thương, trầy xước, mưng mủ, sưng tấy vì lúc này da đã mất đi lớp màng bảo vệ, trong khi một số loại vi khuẩn bám trên lá tắm vẫn còn sống dù có đun sôi nước. Khi đó, nguy cơ nhiễm khuẩn từ lá sẽ tăng lên và gây nguy hiểm cho con.
- Không đun nước lá quá đặc hoặc pha thêm chanh, muối vào nước tắm vì bột lá tắm có thể đọng nhiều trên da gây viêm da, nhiễm khuẩn,… Hơn nữa, nước tắm pha nhiều chanh, muối có thể kích ứng da bé, khiến bé bị xót, rát da.
- Đọc thêm: Thời điểm nào trong ngày là thích hợp nhất để tắm cho bé?
Trên đây là một số cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh khi bị mụn sữa. Tuy nhiên nếu bé có hiện tượng sưng đỏ, mưng mủ và ngày càng lan rộng hơn thì mẹ lên đưa trẻ đi khám da liễu ngay lập tức.