Chàm khô là một bệnh lý về da rất thường gặp, đây là một trong những dạng phổ biến của bệnh chàm. Chàm khô phát triển mạnh khi thời tiết hanh khô mang lại rất nhiều rắc rối cho người bệnh, đặc biệt là nữ giới. Vậy chàm khô là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị chàm khô như thế nào? Trong bài viết này các chuyên gia của Fonscare.vn sẽ giúp các bạn giải đáp nhé!
Mục lục
Bệnh chàm khô là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh chàm khô hay còn được gọi là bệnh á sừng, bệnh eczema. Đây là một dạng viêm da dị ứng mãn tính. Chàm khô thường khởi phát khi da bị thiếu nước, mất cân bằng ẩm khiến lớp sừng Keratin của da bị bong tróc, nứt nẻ dẫn đến trầy xước hay rướm máu. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó phổ biến nhất là ở chân, lòng bàn tay hay đầu ngón tay.
Bệnh chàm khô có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng, bất kể độ tuổi, giới tính. Bệnh đặc biệt phát triển mạnh vào mùa đông khi thời tiết hanh khô. Về cơ bản chàm khô chỉ thể hiện những triệu chứng bên ngoài da gây mất thẩm mỹ, ngứa ngáy khó chịu chứ không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe của người bệnh trừ khi bị nhiễm khuẩn do quá trình điều trị và chăm sóc không đúng cách.
Ngoài ra, bệnh chàm khô là một căn bệnh không lây nhiễm. Bệnh chỉ phát triển ở trên bề mặt da người bị bệnh chứ không truyền sang người khác thông qua đường tiếp xúc thông thường.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh chàm khô
Bệnh chàm khô phát triển qua 3 giai đoạn là khô da, bán cấp, cấp tính. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp nhất là:
- Da bị khô, sần sùi, bong tróc kèm theo các dát đỏ.
- Ngứa ngáy khó chịu từ âm ỉ đến dữ dội.
- Dễ nứt nẻ, chảy máu ở nơi bị chàm.
- Da có xu hướng dày sừng, nhiễm cộm (lichen hóa) và thâm sạm kém thẩm mỹ.
- Trường hợp da bị tổn thương nặng có thể phát sinh bội nhiễm, sưng phồng, nóng, viêm và bắt đầu tụ mủ.
Nguyên nhân gây nên bị chàm khô
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm khô. Trong đó, nổi bật nhất chính là những nguyên nhân sau:
Di truyền
Yếu tố di truyền có sự ảnh hưởng lớn đến việc xuất hiện bệnh chàm khô ở người bệnh. Cụ thể là sự thiếu hụt hoạt chất filaggrin. Đây một thành phần quan trọng giúp dưỡng ẩm cho da tự nhiên. Nếu gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh này thì có đến 50% khả năng con cái của họ cũng sẽ bị bệnh chàm khô.
Dị ứng
Dị ứng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu để bệnh chàm khô phát triển. Trong đó, phổ biến nhất là:
- Dị ứng thời tiết: Sự thay đổi nhiệt độ thất thường làm da mất cân bằng ẩm, thay đổi cấu trúc da dẫn đến các tình trạng khô da, nứt nẻ. Đặc biệt, khi nhiệt độ xuống thấp, thời tiết hanh, khô thì tình trạng này càng dễ xuất hiện.
- Dị ứng thực phẩm: Một số hoạt chất có trong thực phẩm có thể gây kích ứng da. Thường gặp nhất là ở các loại hải sản như cá, tôm, cua, các loại sữa và trứng.
- Dị ứng các loại hóa mỹ phẩm: Các sản phẩm chăm sóc da hoặc thuốc uống hỗ trợ da có thể gây nên tình trạng khô da, bong tróc da do chứa chất tẩy rửa, chứa thành phần kích ứng, làm thay đổi cấu trúc của da.
- Rối loạn trao đổi chất của da.
Cơ địa và tính chất da
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm khô ở da. Theo nghiên cứu, những người gặp vấn đề về da như rối loạn tuyến bã nhờn, da nhạy cảm, da khô thì sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng góp phần làm khởi sinh chàm khô ở da như:
- Sự xâm nhập của vi khuẩn, vi nấm.
- Chăm sóc da thiếu khoa học.
- Tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, bị ô nhiễm bởi hóa chất.
- Làm việc quá sức, căng thẳng, thiếu ngủ khiến sức đề kháng của da bị giảm sút.
- Các bệnh lý về da cũng là một trong những nguyên nhân khiến da dễ mắc chàm khô.
Cách điều trị bệnh chàm khô hiệu quả
Bệnh chàm khô nếu được quan tâm đúng mức và điều trị kịp thời thì sẽ nhanh chóng được chữa khỏi. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh chàm khô được áp dụng. Trong đó, phổ biến nhất là phương pháp điều trị theo Tây y và điều trị theo các phương pháp dân gian. Cụ thể về 2 phương pháp điều trị này sẽ được các chuyên gia của chúng tôi trình bày rõ hơn trong phần bài viết dưới đây nhé!
Trị chàm khô theo Tây y
Tây y được xem là một trong những phương pháp điều trị bệnh chàm khô nhanh chóng, hiệu quả nhất hiện nay. Phương pháp này chủ yếu sử dụng các loại thuốc bôi, kem dưỡng ẩm để khắc phục các triệu chứng của chàm.
Sử dụng kem dưỡng ẩm
Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh chàm khô đó chính là thiếu ẩm, mất cân bằng ẩm. Chính vì thế, để điều trị bệnh này bạn cần phải nhanh chóng cấp ẩm lại cho da. Nếu dưỡng ẩm tốt da của bạn có thể sẽ giảm được tình trạng ngứa ngáy, khô ráp và bong tróc.
Sử dụng thuốc bôi chứa Corticoid
Corticoid thường được điều chế dưới dạng thuốc bôi ở thể lỏng hoặc gel. Ngoài tác dụng dưỡng ẩm cho làn da, Corticoid còn có khả năng chống viêm, kháng khuẩn, làm giảm dị ứng. Từ đó, cải thiện tốt các triệu chứng của chàm khô. Đồng thời, hạn chế tốc độ lây lan của chàm trên cơ thể của người bệnh.
Thuốc ức chế Calcineurin
Các thuốc ức chế Calciceurin thường được chỉ định dùng xen kẽ với Corticoid. Mục đích là làm giảm tốc độ phát triển của chàm khô. Đồng thời khống chế nguy cơ bùng phát của các triệu chứng bệnh. Về cơ bản tác dụng của Calciceurin và Corticoid tương đối giống nhau. Tuy nhiên, Calciceurin ít gây mòn da hay phát sinh tác dụng phụ.
Thuốc kháng histamine H1
Thuốc kháng histamine H1 thường được các bác sĩ da liễu chỉ định khi bệnh phát triển nặng, tình trạng ngứa ngáy dữ dội và có dấu hiệu bội nhiễm. Ngoài khắc phục, giải toả cơn ngứa thuốc kháng histamine H1 còn giúp phục hồi nhanh các tổn thương ngoài da.
Thuốc kháng sinh dạng uống hoặc bôi
Loại thuốc này thường được chỉ định khi vùng da bị tổn thương xuất hiện bội nhiễm. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh là dạng uống hay bôi. Vì thế, bạn không nên tự ý mua và sử dụng khi chưa có sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.
Một số phương pháp điều trị chàm khô dân gian
Trong dân gian cũng có rất nhiều bài thuốc quý giúp chữa trị chàm khô. Các phương pháp này chủ yếu dựa vào dược tính tự nhiên của các thảo dược cho nên rất an toàn. Một số dược liệu có thể trị chàm khô có thể kể đến như là:
Nha đam
Nha đam từ lâu đã được biết đến như là một thần dược giúp cung cấp độ ẩm, tái tạo làn da. Trong việc điều trị bệnh chàm khô nha đam cũng có nhiều tác dụng hữu ích. Trong nha đam có chứa nhiều nước, khoáng chất và vitamin thiết yếu giúp dưỡng ẩm, kháng khuẩn, giảm sưng viêm, kích ứng. Đặc biệt có thể ngăn ngừa quá trình sừng hóa.
Cách áp dụng nha đam vào chữa trị chàm khô rất đơn giản. Các bạn chuẩn bị 1 lá nha đam tươi, rửa sạch, gọt bỏ vỏ xanh. Sau đó lấy phần lõi đem giã lấy gel rồi đắp trực tiếp lên chỗ da.chàm. Chờ khoảng 20 phút rồi rửa lại với nước sạch. Kiên trì 2-3 lần mỗi ngày sẽ có kết quả tốt nhất.
Dưa leo
Tương tự như nha đam, dưa leo cũng là một dược liệu quý để điều trị chàm khô. Trong dưa leo có chứa 95% nước, dồi dào vitamin C, Zn, Mg,…. Đây đều là những chất có tác dụng tuyệt vời trong việc cấp ẩm, giảm viêm, kháng khuẩn.
Với dưa leo, các bạn sẽ chuẩn bị 1 quả dưa leo tươi. Các bạn thái lát mỏng và đắp trực tiếp lên vùng bị chàm. Giữ nguyên trong vòng 20 – 30 phút sẽ giúp bạn giảm ngứa ngáy, nóng rát tức thì. Với phương pháp này các bạn có thể thực hiện 2 lần mỗi ngày nhé!
Dầu dừa
Sử dụng dầu dừa để điều trị chàm khô cũng được nhiều người tin tưởng. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy trong dầu dừa có chứa rất nhiều enzyme có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn. Ngoài ra, trong tinh chất dầu dừa còn có nhiều vitamin E và các khoáng chất tốt cho da.
Để điều trị chàm bằng dầu dừa các bạn sẽ chuẩn bị 1 ít dầu dừa nguyên chất. Sau đó dùng tăm bông xoa dầu dừa trực tiếp lên vùng da bị chàm. Các bạn massage nhẹ nhàng trong khoảng 15 phút rồi rửa lại thật sạch với nước.
Xem thêm: Chàm sữa bôi dầu dừa có tốt không?
Mật ong
Mật ong có tác dụng cải thiện tình trạng chàm khô rất hiệu quả. Nguyên nhân là vì trong mật ong có chứa nhiều thành phần tự nhiên giúp dưỡng ẩm cho da. Đồng thời hỗ trợ tái tạo da, cân bằng pH tự nhiên. Nhờ đó các triệu chứng chàm giảm rõ khi sử dụng.
Bạn chỉ cần dùng mật ong nguyên chất thoa lên vùng da bị tổn thương, massage nhẹ nhàng và đợi trong 10 phút. Sau khi lau khô làn da sẽ giảm thô ráp, ngứa ngáy ngay lập tức.
Trên đây là bài viết giới thiệu tổng quan về bệnh chàm khô. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Theo dõi ngay website của chúng tôi để được cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích khác nhé!