Da người là một trong những bộ phận lớn nhất của cơ thể, có diện tích tổng bề mặt lên đến 2 m vuông. Đồng thời, da cũng là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nhiều nhất. Da giống như một tấm lá chắn bao bọc, che chắn cơ thể khỏi các tác nhân không có lợi từ môi trường bên ngoài.
Vậy da có bao nhiêu chức năng, bài viết sau đây sẽ đi sâu phân tích giúp các bạn hiểu được các chức năng quan trọng của da người.
Mục lục
1. Chức năng bảo vệ
Bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương
Làn da có cấu trúc gồm
- Lớp thượng bì (tầng biểu bì) ngoài cùng dày 0.5 – 1mm, từ ngoài vào trong gồm 4 lớp: lớp sừng, lớp hạt, lớp gai, lớp đáy (một số vùng da có thêm lớp sáng, chẳng hạn như da lòng bàn chân, lòng bàn tay).
- Lớp trung bì: gồm lớp đầu nhũ và lớp lưới cùng các thành phần trực thuộc da như tuyến nhờn, tuyến mồ hôi. Lớp trung bì có độ dày gấp 15 đến 40 lần lớp biểu bì.
- Lớp hạ bì hay còn gọi là lớp mỡ do chứa các mô mỡ xếp dày, mỏng tùy vị trí cơ thể. Lớp hạ bì có tác dụng bảo vệ cơ bắp và giữ nhiệt.
Như vậy da là bộ phận bao bọc cơ, khung xương. Khi cơ thể gặp phải chấn thương từ va chạm, ngoại lực bên ngoài như va đập, ngã…bộ phận đầu tiên dễ bị tổn thương chính là da. Lớp mỡ dưới da dày giống như tấm đệm mút, giảm tác động từ ngoại lực khi có tác động đột ngột lên các bó cơ và khung xương, nội tạng hay nói khác đi, da giúp làm giảm mức độ tổn thương hệ cơ xương và các cơ quan bên trong cơ thể khi gặp phải chấn thương.
❎ Bạn có thể đọc chi tiết thêm vềbài viết Khám phá cấu trúc của da người
1.1. Bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, vi rút
Da là một trong những cửa ngõ để vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể.
Vi khuẩn, vi rút có thể tồn tại bên ngoài da hoặc ký sinh trên chính làn da.
Tuy nhiên, vi khuẩn, vi rút hầu như không thể xâm nhập qua một làn da khỏe mạnh vì da có sức đề kháng rất tốt thông qua cơ chế vật lý, hóa học và sinh học
- Về mặt vật lý, da có lớp sừng giống như một màng bao bọc ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều mầm bệnh. Lớp sừng còn có khả năng chống lại chất tiết (men tiêu protein) do vi khuẩn tiết ra để phá hủy mô, mở đường xâm nhập cơ thể. Tầng sừng bao gồm tầng trên cùng là các tế bào đã chết, bong tróc theo chu kỳ đồng thời loại bỏ vi khuẩn, không cho vi khuẩn trú ngụ và sản sinh
- Về mặt hóa học, tuyến bã nhờn kết hợp với tế bào sừng tiết ra các peptide ((Antimicrobial peptides – AMPs) và lipid kháng khuẩn (Antimicrobial lipids – AMLs), các chất này có khả năng phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, bất hoạt vi khuẩn, vi nấm, hỗ trợ hệ miễn dịch bẩm sinh trên da thực hiện nhiệm vụ.
- Về mặt sinh học, không phải tất cả các vi sinh vật tồn tại trên da đều có hại. Hệ vi sinh vật sống trên da người bao gồm nhiều phân nhóm nhỏ sống cộng sinh với nhau, vừa có tác dụng bổ trợ, vừa ức chế sự hoạt động của nhau tạo nên hệ sinh thái vi sinh ổn định.
Các vi khuẩn cộng sinh sẽ hoạt động chống lại các vi khuẩn có hại bằng cách kích hoạt cơ chế miễn dịch của da. Ví dụ, phân nhóm vi sinh vật Staphylococcus epidermidis là loại vi khuẩn cộng sinh thường gặp nhất, chúng tham gia vào quá trình tổng hợp các AMPs, có thể ức chế sự xâm nhập và phát triển của tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, một loại vi khuẩn có thể gây ra áp xe, nhiễm trùng da, và thậm chí còn liên quan đến các bệnh da dị ứng như viêm da cơ địa, vảy nến…
1.2. Bảo vệ cơ thể khỏi các hóa chất độc hại, các chất gây kích ứng
Hàng ngày cơ thể người tiếp xúc với vô vàn tác nhân có hại ngoài môi trường như không khí ô nhiễm, hóa chất, khói, bụi mịn. Da người giống như bức tường ngăn chặn tác động của các yếu tố độc hại xâm nhập vào các cơ quan bên trong cơ thể gây tác động xấu đến sức khỏe.
1.3. Bảo vệ khỏi tia cực tím
Tia cực tím hay tia UV là bức xạ sinh ra bởi ánh sáng mặt trời, có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy, dài hơn tia X và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tia UV gồm 3 loại: UVA, UVB, UVC, trong đó, tia UVC có bước sóng ngắn mang năng lượng cao nhất, vô cùng nguy hiểm với con người. Tuy nhiên tia UVC đã bị tầng ozon hấp thụ và không thể chiếu xuống trái đất.
Tia UVA và UVB là 2 tia tử ngoại có thể chạm đến bề mặt trái đất. Tia UVA mang năng lượng thấp hơn tia UVB. Hai tia cực tím này xuất hiện bất kể thời điểm nào khi có ánh sáng và gia tăng cường độ khi trời nắng nhiều. Tia cực tím khiến cơ thể suy giảm miễn dịch, dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác. Tia UV cường độ cao có thể gây bỏng, ung thư da. Cơ chế bảo vệ của da khỏi tia cực tím là sản sinh sắc tố melanin. Tuy nhiên, việc tăng sinh sắc tố melanin là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về da như sạm, nám, lão hóa…
1.4. Bảo vệ khỏi tình trạng mất nước.
Lượng nước trong cơ thể chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể người. Cơ thể người có cơ chế mất nước tự nhiên thông qua các con đường: bài tiết qua nước tiểu, phân, qua da và hô hấp. Trong 24h, cơ thể có thể mất đến 900 ml nước qua da và hô hấp để điều hòa thân nhiệt. Như vậy da có chức năng như một kênh để cơ thể thoát hơi nước.
Bản thân da người cũng bị mất nước khi gặp thời tiết hanh khô, nhiệt độ nóng hoặc lạnh. Do cấu trúc da cũng chứa nước trong lớp biểu bì, khoảng 20-30% thể tích để duy trì độ ẩm. Tầng trên cùng của biểu bì là lớp sừng với các tế bào xếp sít nhau, kết dính nhau bằng các lớp chất béo gian bào, ngăn chặn sự thoát hơi nước khỏi tầng biểu bì của da và độ mềm mại của da.
Khi da bị mất nước nhiều sẽ trở nên khô ráp, sần sùi, sạm màu và dễ xuất hiện các nếp nhăn. Hơn nữa da khô cũng khiến sức đề kháng của da suy yếu, dễ bị kích ứng, trở nên nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
2. Chức năng điều hòa nhiệt độ
Cơ chế điều hòa thân nhiệt của da như sau: Khi trời nắng nóng, gặp phải căng thẳng, hoặc đang bị sốt, não bộ sẽ điều khiển các tuyến mồ hôi và mạch máu trong lớp hạ bì tăng cường độ hoạt động, mục đích khiến mồ hôi được tiết trên da, bay hơi và giảm nhiệt độ cho cơ thể.
Nếu nhiệt độ bên ngoài da thấp, các mao mạch trên da và cơ chân lông co lại, giảm bài tiết ở tuyến mồ hôi. Vì thế cơ thể ít bị mất nhiệt. Hơn nữa, lớp mỡ dưới da có chức năng cách nhiệt, duy trì nhiệt độ trung tâm dù nhiệt độ da có thể xuống thấp theo nhiệt độ môi trường.
3. Chức năng cảm giác
Da là cơ quan cảm giác, giúp chúng ta ý thức được các yếu tố nhiệt độ nóng, lạnh, cảm giác đau, lực tác động lên da, hoặc những va chạm tiếp xúc.
Cơ chế cảm giác của da thực hiện thông qua hệ dây thần kinh ở lớp hạ bì. Các thông tin về cảm giác sẽ truyền đến não bộ qua hệ dây thần kinh, não bộ tiếp nhận và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Ví dụ khi ngón tay bạn chạm vào vật sắc nhọn, cơ quan cảm giác ở da sẽ gửi thông tin đến não bộ điều khiển thực hiện phản xạ giật tay lại để tránh bị thương.
Chức năng cảm giác tùy thuộc vào mức độ của kích thích hay mức độ của tổn thương trên da. Nếu tổn thương quá mức, các dây thần kinh cảm giác trong da đã bị chết đi, dẫn đến da sẽ mất đi cảm giác.
4. Chức năng bài tiết
Da là một trong những kênh bài tiết của cơ thể. Các chất thải, độc tố được loại bỏ thông qua các tuyến mồ hôi trong da và lỗ chân lông.
5. Chức năng nội tiết
Da giúp tổng hợp tới 80% nhu cầu vitamin D của cơ thể. Tầng dưới của thượng bì có chứa dehydrocholesterol có khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời (chủ yếu tia UVB) tạo thành tiền chất D3, có đặc tính không ổn định. Tiền chất này chuyển hóa thành vitamin D3 trong 48h.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương, răng.
Tắm nắng toàn bộ cơ thể từ 5 đến 15 phút có thể giúp tổng hợp 15.000 đơn vị vitamin D. Ở các nước nhiệt đới, cận xích đạo, cường độ tia UVB cao hơn các khu vực khác trên trái đất. Vì thế, nên điều chỉnh thời gian tắm nắng phù hợp, thời điểm tốt nhất để phơi nắng là trước 9h sáng và sau 16h chiều.
6. Chức năng thẩm mỹ
Làn da là bộ phận thể hiện tuổi tác của con người rõ nhất. Càng nhiều tuổi, da sẽ càng giảm độ săn chắc, đàn hồi, dễ bị sạm, nám, và hình thành các vết nhăn. Một làn da được chăm sóc tốt, cơ thể khỏe mạnh từ bên trong sẽ khiến tốc độ lão hóa da giảm đi, trông bạn sẽ trẻ hơn tuổi rất nhiều.
7. Chức năng phản ánh các vấn đề về sức khỏe
Có rất nhiều bệnh lý biểu hiện ra ngoài da giống như ho lao, bệnh gan, nóng trong gây phát ban hay bệnh thiếu máu. Khi làn da bạn khỏe mạnh, hồng hào, không gặp vấn đề gì là dấu hiệu tốt cho sức khỏe của bạn.
8. Chức năng tái tạo, phục hồi các vết thương
Lớp trung bì và hạ bì có khả năng sản sinh collagen để phục hồi các vết thương