Da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một cấu trúc mỏng manh và dễ bị tổn thương, cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Ở mỗi độ tuổi, da sẽ có những đặc điểm sinh học khác nhau. Bài viết sau đây sẽ phân tích sự khác biệt giữa làn da em bé so với da của người trưởng thành. Mời các bạn cùng tìm hiểu để biết thêm chi tiết.
Mục lục
Chức năng của da
- Chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân cơ học, sinh học, lý hóa
- Chức năng xúc giác
- Chức năng điều hòa thân nhiệt
- Chức năng bài tiết, được thực hiện bằng tuyến mồ hôi
- Chức năng chuyển hóa (tổng hợp vitamin D, protein…)
- Chức năng phản ánh các vấn đề sức khỏe
- Chức năng tái tạo phụ hồi
- Chức năng thẩm mỹ
Bạn có thể xem phân tích chi tiết các chức năng quan trọng của da trong bài viết này: 8 chức năng của da có thể nhiều người chưa biết hết
Tóm tắt cấu tạo mô học của da
Da gồm có 3 tầng:
Thượng bì
Thượng bì (biểu bì) được cấu tạo bởi biểu mô lát tầng sừng hóa (độ dày dao động từ 0.02 – 0.5mm). Nó không có bất kỳ mạch máu nào bên trong (tức là nó vô mạch). Nó được cấu tạo từ bốn hoặc năm lớp tế bào biểu mô, tùy thuộc vào vị trí những vùng da khác nhau trên cơ thể.
Hầu hết da trên cơ thể người là da mỏng, vùng da mỏng nhất là da ở quanh mắt, vùng da dày nhất là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- “Da mỏng” thì thượng bì có 4 lớp tế bào, gồm lớp sừng, lớp đáy, lớp gai, lớp hạt.
- “Da dày” thì thượng bì có 5 lớp tế bào, gồm lớp sừng, lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp sáng.
Trung bì
Trung bì được coi là thành tố “cốt lõi” của hệ thống liên kết da (có độ dày từ 1.5 – 3mm). Nó chứa máu, mạch bạch huyết, dây thần kinh và các cấu trúc khác, chẳng hạn như nang lông và tuyến mồ hôi. Trung bì được cấu tạo bởi 2 lớp mô liên kết tạo thành 1 lưới liên kết, gồm có:
- Chân nhú bì: là các mô liên kết thưa và giàu mao mạch.
- Lớp lưới: là các mô liên kết dày (làm cho da bền) và chắc, gồm các mạch máu lớn.
Hạ bì
Là lớp mô liên kết có nhiều thùy tạo mỡ, sợi tạo keo, tế bào sợi. Ranh giới của tầng trung bì và hạ bị không rõ ràng. Hạ bì có tác dụng giống như một mô đệm để hạn chế tác động cơ học ảnh hưởng tới các cấu trúc bên dưới da và hạn chế sự thoát nhiệt trong cơ thể ra bên ngoài.
☞ Xem thêm: Phân tích chi tiết cấu tạo của da
Da em bé khác da người lớn như thế nào?
Khi mới sinh, da em bé trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ môi trường nước sang môi trường khô. Sau khi sinh và theo thời gian, da trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục phát triển. Về mặt sinh lý, da của trẻ sơ sinh có nhiều khác biệt so với da của trẻ lớn (trên 6 tuổi) và người trưởng thành, từ cấu tạo, thành phần cho đến chức năng.
Da em bé có cấu trúc khác với da người lớn. Các tế bào da nhỏ hơn và các sợi collagen mỏng hơn. Theo các phát hiện lâm sàng gần đây, lớp sừng trên thượng bì ở trẻ sơ sinh mỏng hơn 30% so với da người lớn, tổng độ dày lớp thượng bì của trẻ sơ sinh cũng mỏng hơn 20% so với người lớn. Do đó, da bé sơ sinh dễ thẩm thấu hơn và dễ bị khô hơn da người trưởng thành. Hơn nữa, tỉ lệ diện tích bề mặt cơ thể/ trọng lượng cơ thể của trẻ sơ sinh cao hơn so với người lớn, điều này càng làm tăng nguy cơ bị tổn thương trên da em bé khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các tác nhân sinh hóa khác.
Các thành phần trên da em bé cũng khác với da người lớn, chúng chứa ít yếu tố giữ ẩm tự nhiên hơn (NMFs), ít lipid và ít melanin hơn. Lượng NMFs trong da em bé thấp hơn chính là lí do góp phần đẩy nhanh tốc độ mất nước trên bề mặt da.
Da em bé cũng có độ pH cao hơn da người lớn, một dấu hiệu khác cho thấy hàng rào bảo vệ da trẻ em kém trưởng thành hơn da người lớn. Về cơ bản, da em bé trong môi trường nước ối có pH =7. Ngay sau khi sinh, da bé sơ sinh có pH trung bình là 6,34. Trong vòng bốn ngày, độ pH giảm xuống trung bình 4,95. Từ 7 đến 30 ngày tiếp theo, độ pH của da tiếp tục giảm xuống 4,7. Bản chất axit của da rất quan trọng vì nó có đặc tính kháng khuẩn giúp da chống lại sự xâm chiếm của vi khuẩn có hại. Do đó, độ pH cao hơn góp phần làm suy yếu hàng rào bảo vệ da.
Những khác biệt về cấu trúc và thành phần da chính là điều kiện dẫn đến sự khác biệt trong chức năng của da của trẻ sơ sinh so với da của người trưởng thành. Một trong những phép đo chính của hàng rào bảo vệ da là tỉ lệ mất nước xuyên biểu bì (TEWL). Da em bé có tỉ lệ TEWL cao hơn da người lớn. Vì vậy, mặc dù da trẻ sơ sinh có thể hấp thụ nhiều nước hơn da người lớn, nhưng nó mất nước với tốc độ nhanh hơn. Sự khác biệt này chính là một trong những yếu tố để kích hoạt phản ứng viêm và nhiễm trùng trên da của trẻ.
Vì tất cả những lí do này, da em bé dễ bị tổn thương hơn da người lớn, và nếu không được chăm sóc đúng cách, da sẽ dễ bị khô, dẫn đến các bệnh như viêm da dị ứng, hăm tã, rôm sảy, thậm chí là nhiễm trùng.
Khi nào da em bé sẽ phát triển hoàn thiện?
Trước kia, nhiều quan điểm cho rằng sự phát triển về làn da của em bé chỉ xảy ra trong thai kỳ của người mẹ, cơ quan này sẽ hoàn thiện và có khả năng thực hiện tất cả các chức năng của nó khi em bé chào đời. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh được nhận định này là chưa chính xác. Làn da của em bé sau khi sinh ra sẽ vẫn tiếp tục phát triển và thay đổi trong những năm đầu đời. Cấu trúc và chức năng của da sẽ hoàn thiện tương tự như da người lớn cho tới khi em bé được khoảng 6 tuổi. Hoạt động của tuyến mồ hôi sẽ có thay đổi đáng kể cho tới khi bé bước vào tuổi dậy thì (12 – 14 tuổi). Sự thay đổi hormone cũng là điều kiện tạo ra sự khác biệt giữa cấu trúc da của bé trai và bé gái.
Khi nói đến sự trưởng thành của da, các nhà khoa học đã đặc biệt xem xét kỹ lưỡng các chức năng của da em bé so với da người lớn, nhất là khả năng giữ nước của lớp sừng. Giá trị thấp của tỉ lệ mất nước xuyên biểu bì (TEWL) là dấu hiệu cho thấy chức năng bảo vệ của hàng rào tự nhiên tốt, trong khi nếu TEWL có giá trị cao thì chứng tỏ hàng rào bị dễ bị tổn thương, chức năng bảo vệ kém, chẳng hạn như với các bệnh ngoài da điển hình ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như là vẩy nến, viêm da dị ứng thì đều có tỉ lệ mất nước xuyên biểu bì cao.
Tại sao lớp sừng tại thượng bì lại quan trọng?
Lớp sừng là tuyến phòng thủ đầu tiên trên da của trẻ sơ sinh. Nó hoạt động như một hàng rào chống lại sự tấn công từ các mầm bệnh bên ngoài, các chất kích thích và tác nhân dị ứng đến từ môi trường, từ đó bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Đối với trẻ sơ sinh, một hệ miễn dịch và một lớp hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh là điều kiện cần thiết để giữ gìn sức khỏe của chúng.
Cấu trúc của lớp sừng có thể được so sánh như một “bức tường gạch”. Các tế bào da là “các viên gạch”, các lớp lipid là “vữa”. Chính ‘bức tường’ này hoạt động như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi môi trường bên ngoài.
Cách đây khoảng 40 năm, các nhà khoa học nghĩ rằng lớp sừng ít nhiều không hoạt động về mặt sinh học – hoạt động giống như một tấm nhựa trơ bảo vệ các lớp dưới của da. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng khi qua những hoạt động hóa học hay sinh học, lớp sừng này có thể bị suy yếu hoặc được củng cố thêm khả năng bảo vệ của nó.
Điều gì xảy ra khi hàng rào bảo vệ tự nhiên trên da của trẻ bị tổn thương?
Như đã nói ở trên, trẻ sơ sinh có lớp sừng trên thượng bì mỏng hơn so với người lớn, điều này khiến cho làn da của bé sơ sinh dễ bị tấn công bởi các tác động từ môi trường bên ngoài, ví dụ vi khuẩn, bụi bẩn, các chất gây dị ứng.
Viêm da cơ địa là tình trạng viêm da phổ biến ở trẻ sơ sinh mà hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân của bệnh. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những thay đổi về gen làm tăng hoạt động của protease, khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ sớm. Các yếu tố của môi trường như bụi bẩn hoặc xà phòng cũng đóng phần lớn làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. Khi rào chắn bị phá vỡ, các chất gây hại có thể xâm nhập và gây viêm, dị ứng hoặc các bệnh khác. Hơn nữa, khi cấu trúc của lớp sừng bị phá vỡ, da cũng sẽ bị mất nước nhanh hơn và trở nên khô hơn, giảm độ đàn hồi, bề mặt da sẽ khô ráp hơn, có sự bong tróc mạnh và cảm giác ngứa ngáy.
Trong trường hợp trẻ bị mắc viêm da cơ địa các phương pháp điều trị đặc biệt thường được áp dụng để phá vỡ vòng luẩn quẩn khi bị ngứa và nhiễm trùng, giúp tái tạo lại hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
Tóm tắt những điểm chính của bài viết:
- Da em bé cần được chăm sóc đặc biệt – và khác biệt so với da người lớn.
- Da của trẻ sơ sinh mỏng hơn và dễ thẩm thấu hơn da người lớn.
- Độ ẩm trên da của em bé cao hơn người lớn nhưng tốc độ mất nước trên da lại nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, theo thời gian, tốc độ này sẽ giảm dần.
- Cấu trúc của da em bé và các phần phụ của da sẽ phát triển hoàn thiện tương ứng với làn da của người trưởng thành khi các bé được khoảng 6 tuổi.
- Lớp sừng hoạt động như một rào cản tự nhiên để bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại từ môi trường. Do đó, giữ gìn tính toàn vẹn của lớp hàng rào này là rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi cấu trúc lớp sừng bị tổn thương, bé có thể phải đối mặt với tình trạng viêm da dị ứng và nhiều bệnh ngoài da khác.