Rôm sảy và chàm sữa là những bệnh ngoài da rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Hai bệnh này có biểu hiện và triệu chứng khá giống nhau, nên không ít cha mẹ bị nhầm lẫn, từ đó dẫn đến việc điều trị sai phương pháp. Vậy làm thế nào để phân biệt chàm sữa và rôm sảy? Sau đây, Fons Care sẽ giúp mẹ tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé.
Mục lục
1. Các nguyên nhân gây bệnh
1.1. Điểm giống nhau
- Là bệnh rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Đều chịu tác động của thời tiết và môi trường xung quanh như khói, bụi bẩn… có thể khiến hình thành bệnh của bé.
- Bệnh rôm sảy và chàm sữa đều không phải là bệnh truyền nhiễm.
- Hai bệnh này có thể bùng phát mạnh hơn do chế độ ăn uống không phù hợp. Trẻ thường xuyên ăn các thực phẩm cay nóng, nhiều mỡ…
1.2. Điểm khác nhau về nguyên nhân gây bệnh giữa rôm sảy và chàm sữa
1.2.1. Rôm sảy:
Rôm sảy thường xuất hiện khi ống mồ hôi của bé bị tắc nghẽn. Nguyên nhân gây lên tình trạng tắc nghẽn trên do các yếu tố chủ yếu sau:
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuyến mồ hôi của bé chưa phát triển toàn diện nên khi mồ hôi tiết ra nhiều không thoát ra ngoài được hết, bị ứ đọng lại kết hợp với bụi bẩn làm bít lỗ chân lông hình thành nên rôm sảy.
- Thời tiết nóng, mẹ lại mặc cho còn quần áo không thấm mồ hôi hoặc không thường xuyên thay tã, mặc tã quá chật cũng gây lên bít tắc mồ hôi.
1.2.2. Chàm sữa:
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây lên chàm sữa vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các bác sĩ da liễu cho rằng chàm sữa hình thành có thể là do sự kết hợp giữa các yếu tố bên trong cơ thể bé và các yếu tố bên ngoài môi trường.
Yếu tố bên trong:
- Do cơ địa của bé: Trẻ bị căng thẳng thường xuyên do sợ hãi hoặc sợ bị mọc răng. Dẫn đến bé bị rối loạn chức năng bài tiết, tiêu hóa hoặc rối loạn chức năng thần kinh, nội tiết thì rất dễ hình thành chàm sữa trên cơ thể của trẻ.
- Bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh về hen, suyễn, chàm sữa, viêm da cơ địa,…thì con sinh ra 40% cũng có nguy cơ mắc các bệnh trên. Đặc biệt, là chàm sữa ở mặt.
Yếu tố bên ngoài môi trường:
Do môi trường và khí hậu:
- Chàm sữa sẽ phát triển nhanh trong môi trường khói thuốc, nấm mốc, ô nhiễm.
- Thời tiết lạnh và khô có thể làm cho chàm sữa phát triển mạnh hoặc tái phát trên người bé.
Ảnh hưởng từ thức ăn của mẹ: Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho bé. Trong giai đoạn này, việc ăn uống có mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa của con. Nếu mẹ ăn quá nhiều thực phẩm dinh dưỡng khiến cho bé không hấp thụ được hết sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa của bé. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho cơ thể của bé bị nổi chàm.
Do ảnh hưởng của các nhân tố khác: Bé bị dị ứng với lông chó, mèo….
2. Triệu chứng của bệnh rôm sảy và chàm sữa
2.1. Giống nhau
Vị trí xuất hiện giống nhau: Rôm sảy và chàm sữa thường xuất hiện trên má, cổ, là những mụn nhỏ li ti, mẩn đỏ.
Gây ngứa: Rôm sảy và chàm sữa đều khiến cho trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu muốn gãi. Do đó, rất dễ làm cho mụn vỡ ra, gây chảy máu. Nếu mẹ không vệ sinh tốt, những vùng da đó rất dễ bị nhiễm khuẩn (hoặc bội nhiễm) sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Thậm chí, có thể để lại sẹo cho bé sau này.
Có thể tự khỏi: Cả hai đều tự khỏi khi trẻ lớn lên.
Có khả năng lây lan sang những vùng da khác: Rôm sảy và chàm sữa, nếu mẹ không điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách rất dễ lan sang các vùng da khác.
Rôm sảy và chàm sữa, đều dễ tái phát. Dễ bị kích thích bởi các yếu tố như thời tiết, bụi bẩn, chất tẩy rửa, … làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
2.2. Khác nhau
2.2.1. Rôm sảy
- Rôm sảy thường hay mọc thành từng đám, xuất hiện nhiều ở những vùng có nhiều mồ hôi như đầu, trán, cổ hoặc các vị trí có nhiều nếp gấp như nách, bẹn….
- Rôm sảy mọc thường có cảm giác đau rát, bứt rứt, khó chịu.
2.2.2. Chàm sữa
- Chàm sữa thường hay mọc nhất là hai má, có tính đối xứng (có rất ít trường hợp chỉ mọc một bên), những lần tái phát sau thì có thể ở trán, thân mình.
- Khi mẹ chạm tay vào vùng da bé bị chàm sữa sẽ thấy da khô, thậm chỉ có thể có vảy.
- Khi bị chàm sữa, bé có thể gặp thêm các dấu hiệu của bệnh viêm mũi hoặc hen suyễn.
Bệnh chàm sữa thường phát triển theo các giai đoạn chính sau:
Giai đoạn 1: Giai đoạn tấy đỏ, ngứa
- Vùng da bị chàm sữa có xuất hiện những mảng đỏ và có hiện tượng ngứa.
- Trong giai đoạn này, có thể xuất hiện những hạt màu trắng trên da.
Giai đoạn 2: Giai đoạn nổi mụn nước
- Lúc này, trên da đã xuất hiện những mụn nước, có kích thước nhỏ hoặc có thể hợp lại để tạo thành mụn nước lớn và có thể lây sang các vùng xung quanh.
- Các mụn này thường chứa các dịch ở trong, nông trên bề mặt da.
Giai đoạn 3: Giai đoạn chảy nước
Mụn chảy nước có thể do bé gãi hoặc do mụn tự vợ. Trong giai đoạn này, mụn làm cho bé có cảm giác ngứa ngáy nên sẽ thường xuyên quấy khóc.
Giai đoạn 4: Giai đoạn da nhẵn
- Mụn nước vỡ ra sẽ hình thành trên da của bé một lớp huyết thanh. Sau một thời gian, lớp vảy này khô, bong ra để lại cho bé một lớp da mỏng và nhẵn.
- Quá trình này chỉ diễn ra từ 1-3 ngày và có màu đỏ.
Giai đoạn 5: Giai đoạn bong vảy da
Lớp da mỏng được hình thành trong giai đoạn 4 sẽ bị rạn nứt thành những mảng nhỏ. Khiến cho da bé, trở lên sần sùi và ngày càng dày lên như vụn cám.
Đọc thêm: Chàm sữa có để lại sẹo không?
3. Cách điều trị rôm sảy và chàm sữa
3.1. Giống nhau
Vệ sinh, tắm rửa cho con hàng ngày
Bố mẹ nên tắm rửa cho con hàng ngày với nước ấm (không được tắm quá 10 phút) để làm cho da con được khô thoáng, sạch sẽ. Trong giai đoạn này, mẹ có thể dùng một số loại sữa tắm dành cho bé có thành phần chiết xuất từ tự nhiên. Tắm xong, lau khô người mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi cho bé.
Chế độ dinh dưỡng
Đối với những bé dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ hoàn toàn:
- Thực đơn ăn của mẹ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sữa. Vì vậy, trong giai đoạn này mẹ nên ăn nhiều đồ ăn có tính mát, rau xanh, vitamin C, đặc biệt là cá biển có chất ARA có tác dụng chống lại dị ứng.
- Mẹ cho con bú nhiều lần để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng giúp con chống lại bệnh tật.
- Mẹ hạn chế ăn các đồ cay, nóng, nhiều mỡ vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa tiết sữa làm cho rôm sảy và chàm sữa trên người con có thể bùng phát nên nhiều hơn.
Đối với những bé đã ăn dặm:
- Mẹ nên chọn thực đơn một cách khoa học, cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Khi bé bị rôm sảy và chàm sữa đều có cảm giác khó chịu nên có cảm giác không thích ăn. Vì vậy, mẹ nên thay đổi các món ăn cho bé hàng ngày, tránh trường hợp một món mà ăn lại nhiều lần trong ngày làm cho bé không có cảm giác thèm ăn.
- Khi chế biến các món ăn, mẹ nên nấu nhừ để giúp bé dễ ăn và hấp thụ lượng thức ăn được tốt hơn.
- Trong giai đoạn bị bệnh, mẹ nên bổ sung nhiều vitamin cho con thông qua các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, bơ…sẽ giúp con tăng sức đề kháng.
- Hạn chế cho bé ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, cay, nóng. Vì chúng sẽ kích thích tiết mồ hôi nhiều, gây ngứa.
Cho trẻ ở trong phòng thoáng mát, sạch sẽ
Bụi bẩn có thể là nguyên nhân làm cho cả rôm sảy và chàm sữa trở lên nặng hơn. Vì vậy, mẹ nên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa một cách thường xuyên để giúp loại bỏ bụi bẩn, giúp không khí trong nhà trong lành.
Dùng lá để tắm cho bé
Bên cạnh cách chăm sóc trên, khi bé bị rôm sảy và chàm sữa, mẹ có thể dùng một số loại lá sau để tắm cho bé. Vì trong các lá đó có chứa nhiều thành phần làm mát da, tính sát khuẩn cao nên có tác dụng giảm ngứa ngáy cho bé:
- Lá chè xanh
- Lá khế chua
- Lá trầu không
- Lá bồ công anh
- Sài đất
Cách thực hiện:
- Mẹ lấy một nắm các lá trên, đem rửa sạch sau đó ngâm với nước muối tầm 10-15 phút.
- Đun sôi với 2-3 lít nước tầm 5-7 phút thì tắt bếp để các tinh chất trong lá ngấm hết ra nước
- Lấy khăn xô lọc bỏ bã, phần nước đem pha với nước lọc để tắm cho bé sao cho nhiệt độ từ 35-38 độ C.
- Mẹ nên tắm cho con ở nơi kín gió, tắm nhanh không nên quá 10 phút. Mẹ nên tắm cho con một cách nhẹ nhàng, tránh cọ xát mạnh gây xước xát da bé.
- Tắm xong mẹ nên tráng lại người cho con với nước ấm. Dùng khăn mềm lau người cho con.
Xem thêm: Cách trị rôm sảy cho bé
3.2. Khác nhau
Trong trường hợp, bé bị rôm sảy và chàm sữa có dấu hiệu nặng, lên dày đặc mẹ có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da.
Rôm sảy:
- Thuốc bôi có chứa thành phần hydrocortisone hoặc acid salicylic giúp se lỗ chân lông và làm khô bề mặt da một cách nhanh chóng.
- Thuốc calamine có tác dụng giảm ngứa ngáy, khó chịu cho con.
- Thuốc anhydrous lanolin giúp giảm tình trạng bít tắc các tuyến mồ hôi nên hạn chế được rôm sảy mới mọc trên người bé.
Chàm sữa:
- Kem Dexeryl có tác dụng làm mềm da, cấp nước nên có thể hạn chế được bong tróc da, thô ráp cho bé.
- Kem Vaseline Original Oil Jelly có tác dụng nhanh chóng tái tạo da dó bị bong tróc, làm mềm da, căng mọng.
- Thuốc Corticosteroid có tác dụng làm giảm ngứa cho bé.
- Thuốc Dermalex có tác dụng giảm ngứa ngáy, bong tróc da cho bé.
Lưu ý: Các loại thuốc trên có thể chữa được rôm sảy và chàm sữa một cách hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên, trước khi dùng mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự mua thuốc về dùng cho con.