Tổ đỉa bàn tay là một bệnh da liễu có biểu hiện đặc trưng là xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti ở ngón tay, lòng bàn tay hoặc cổ tay của người bệnh. Đây là căn bệnh mạn tính và thường tái phát theo chu kỳ. Do đó, bệnh gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị. Nó làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của bàn tay cũng như đời sống sinh hoạt của người bệnh. Cùng tìm hiểu một vài kiến thức cơ bản về bệnh tổ đỉa bàn tay ngay sau đây.
Mục lục
Bệnh tổ đỉa bàn tay là gì?
Tổ đỉa ở tay được chẩn đoán là một thể đặc biệt của bệnh chàm. Nó làm xuất hiện những nốt mụn nước màu trắng trên lòng bàn tay, rìa ngón tay, mặt trên, dưới của bàn tay,… Kèm theo đó là các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu.
Tương tự như những loại bệnh lý về da khác, tổ đỉa ở tay cũng phát triển theo từng giai đoạn. Ban đầu nó là những mụn nước nhỏ thưa thớt. Dần dần các mụn nước bắt đầu phồng rộp, chảy nước, lan rộng thành từng cụm ở nhiều vùng da xung quanh. Lúc này người bệnh có thể xuất hiện cảm giác đau rát do mụn nước vỡ ra, gây bong tróc da. Căn bệnh này thường tiến triển dai dẳng, tái phát nhiều lần, gây nhiều trở ngại trong việc điều trị.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tổ đỉa bàn tay
Bệnh tổ đỉa bàn tay là tình trạng viêm da ở lớp thượng bì. Vậy làm thế nào để nhận biết về căn bệnh này? Dưới đây là một số dấu hiệu nổi bật:
- Đầu tiên là xuất hiện các triệu chứng đau rát ở ngón tay và lòng bàn tay.
- Xuất hiện các mụn nước ở sâu trong cấu trúc da. Chúng thường chìm khảm dưới da và một số khác thì nổi cộm trên bề mặt.
- Các mụn nước này xuất hiện ở các vị trí lòng bàn tay, kẽ giữa các ngón tay và trên các đầu ngón tay. Chúng mọc rải rác hoặc cũng có thể tập trung thành từng cụm.
- Mụn nước này thường cứng chắc và khó vỡ. Đường kính của chúng khoảng 1-2mm. Những trường hợp nặng hơn thì mụn nước có thể gia tăng kích thước theo thời gian.
- Mụn nước gây ra bởi bệnh tổ đỉa thường không tự vỡ. Nó có thể tự tiêu sau khoảng vài tuần. Tuy nhiên, khi mụn nước tiêu sẽ để lại vảy tiết màu vàng. Dần dần chúng sẽ bong vảy và để lộ nền da màu hồng, bóng và có viền vằn vèo.
- Xuất hiện kèm với các triệu chứng ngứa ngáy, đau rát.
Trường hợp người bệnh gãi cào và ma sát mạnh vào các mụn nước thì vùng da ở tay có thể xuất hiện tổn thương thứ phát:
- Xuất hiện các mụn mủ và quầng viêm đỏ.
- Bàn tay đau rát, sưng tấy và phù nề.
- Sưng hạch lân cận và có thể dẫn đến tình trạng sốt cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa ở tay
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lý này vẫn chưa được xác định rõ. Bệnh được chẩn đoán có thể liên quan đến một rối loạn da tương tự gọi là viêm da cơ địa. Dưới đây là một vài yếu tố nguy cơ gây tổ đỉa bàn tay:
- Do di truyền: Gia đình có bố hoặc mẹ hay cả bố và mẹ đều mắc bệnh tổ đỉa thì nguy cơ cao đứa con sinh ra cũng mắc bệnh tương tự.
- Điều kiện thời tiết, khí hậu: Tiết trời nóng ẩm là một trong những điều kiện thuận lợi để bệnh tổ đỉa phát triển mạnh.
- Tiếp xúc với môi trường độc hại: Nếu da tay thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, nước bẩn, các loại chất tẩy rửa,… sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa ở tay.
- Cơ địa ra nhiều mồ hôi tay: Những người thường xuyên đổ mồ hôi tay sẽ dễ mắc bệnh tổ đỉa hơn những người bình thường. Đây là môi trường tốt khiến bệnh tổ đỉa lây lan và phát triển trên da.
- Da nhạy cảm: Những người mới bị phát ban sau khi tiếp xúc với một số chất kích thích có khả năng cao mắc bệnh tổ đỉa.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa coban: Thường xuyên ăn các loại thực phẩm như gan, sữa, các loại hạt, nghêu, cá,… chứa nhiều coban cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tổ đỉa bàn tay.
Chẩn đoán các thể lâm sàng của bệnh tổ đỉa
Dựa vào một số biểu hiện lâm sàng có thể phân loại bệnh tổ đỉa thành 4 thể chính đó là:
- Tổ đỉa ở thể giản đơn: Thuộc thể phổ biến với các triệu chứng điển hình nhất.
- Tổ đỉa thể nhiễm khuẩn: Ngoài những tổn thương cơ bản, tổ đỉa ở thể nhiễm khuẩn còn gây ra các mụn mủ với quầng viêm đỏ xung quanh vùng da.
- Tổ đỉa thể bỏng nước: Thể này thường khởi phát do dị ứng hóa chất. Khi bệnh tiến triển đến thể này thì các mụn nước sẽ có kích thước như hạt ngô và chứa dịch trong suốt bên trong.
- Tổ đỉa thể khô: Đây là trường hợp xuất hiện khi bệnh đã khởi phát trong nhiều năm. Thể bệnh tổ đỉa này gây ra một số tổn thương điển hình như da đỏ, khô, không xuất hiện mụn nước, bề mặt da bong tróc vảy và nóng rát.
Bệnh tổ đỉa bàn tay có nguy hiểm không?
Hầu hết những trường hợp mắc bệnh tổ đỉa ở bàn tay đều thường xuyên tái phát. Bệnh không thể điều trị dứt điểm và hiện tại chỉ có những phương pháp giúp ngăn ngừa triệu chứng, giảm nguy cơ tái phát.
Đây là căn bệnh lý ngoài da tương đối lành tính. Nó chỉ gây ra những tổn thương bên ngoài vùng da và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc và có phương pháp ngăn ngừa đúng cách, bệnh tổ đỉa bàn tay có thể để lại một số biến chứng như:
- Viêm nhiễm vùng da tay.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: gây mất tính thẩm mỹ và khiến cơ thể luôn bứt rứt, ngứa ngáy, khó chịu.
Một số phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh tổ đỉa bàn tay
Để an toàn và hiệu quả trong việc điều trị bệnh tổ đỉa bàn tay, bệnh nhân nên tìm đến bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp trị tổ đỉa ở tay được các bác sĩ chỉ định mà bạn có thể tham khảo:
Điều trị tổ đỉa bằng thuốc Tây
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc điều trị tổ đỉa thích hợp.
Thuốc dạng bôi tại chỗ
Tác dụng của các loại thuốc bôi là giảm khả năng hình thành mụn nước trên da và ngăn ngừa bội nhiễm.
- Thuốc bôi Corticoid: Một vài loại phổ biến như Tempovatem, Flucinarm, Dermovate… Thuốc có tác dụng làm tiêu biến các đốm mụn nước, giảm thiểu cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá liều, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như teo da, dày sừng nang lông,…
- Dung dịch bạc nitrat 0.5%: Giúp vùng da bị tổ đỉa dịu lại, giảm cảm giác nóng rát và có tính sát khuẩn nhẹ. Thuốc này phù hợp cho những đối tượng vừa khởi phát triệu chứng bệnh.
- Dung dịch Milian hoặc thuốc tím Methyl 1%: Sử dụng cho những trường hợp nổi mụn mủ. Thuốc có khả năng tiêu diệt các ổ khuẩn và tăng cường khả năng tự bảo vệ của da.
- Thuốc bôi chứa acid salicylic: Có tác dụng làm bạt sừng và sát khuẩn nhẹ. Những trường hợp tổ đỉa khiến da khô cứng, bong tróc có thể được chỉ định sử dụng loại thuốc này.
- Thuốc kháng sinh dạng bôi: Các trường hợp tổ đỉa nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm trùng sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một vài loại thuốc kháng sinh tại chỗ. Nó thường được kết hợp với thuốc corticoid nhằm hạn chế tối đa những tổn thương trên da và phòng ngừa bội nhiễm.
Thuốc uống trực tiếp
Sử dụng thuốc uống trị tổ đỉa có tác dụng cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy, ức chế sự lây lan tổn thương da và hỗ trợ điều trị viêm nhiễm. Tuy nhiên, loại thuốc uống trực tiếp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc.
- Thuốc corticoid: Chỉ định sử dụng trong trường hợp những tổn thương trên da có dấu hiệu bùng phát mạnh và không thích ứng với các loại thuốc bôi. Thuốc thường được sử dụng trong vòng 5 – 10 ngày. Sau đó tạm ngưng để đánh giá tình hình tiến triển bệnh. Nếu lạm dụng quá liều có thể gây một số tác dụng phụ như loãng xương, suy tuyến thượng thận…
- Thuốc kháng histamine tổng hợp: Thuốc có tác dụng cải thiện các cơn ngứa gây ra bởi tổ đỉa. Một số thuốc kháng histamine tổng hợp được bác sĩ chỉ định sử dụng như Clorpheniramin, Cetirizin, Loratadin,…
- Thuốc kháng sinh dạng uống: Chỉ định cho các đối tượng mắc bệnh tổ đỉa mức độ nặng trở lên. Loại kháng sinh được dùng phổ biến nhất là nhóm thuốc Penicillin.
Điều trị tổ đỉa bàn tay bằng liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)
Đây là phương pháp sử dụng năng lượng từ tia UV nhân tạo kết hợp với thuốc Psolalene nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thương trên bề mặt da. Cơ chế hoạt động của liệu pháp ánh sáng là nhằm ức chế quá trình tổng hợp ADN. Nó hỗ trợ suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch, loại bỏ những chất tiền viêm cũng như các thành phần trung gian. Mục đích cuối cùng là giảm các triệu chứng ngứa ngáy và kháng viêm.
Xem thêm: Mẹo chữa bệnh tổ đỉa bằng muối hiệu quả
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh tổ đỉa bàn tay
Nhằm hạn chế những biến chứng cũng như khả năng tái phát của bệnh tổ đỉa ở tay, ngoài việc sử dụng thuốc thì người bệnh cần kết hợp một số biện pháp chăm sóc như sau:
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại, các chất tẩy rửa.
- Hạn chế dùng tay chà xát lên vùng da nổi mụn nước.
- Luôn giữ vệ sinh tay chân sạch sẽ để hạn chế bị viêm nhiễm.
- Sử dụng biện pháp chườm lạnh lên vùng da bị tổ đỉa để giảm triệu chứng nóng rát và ngứa ngáy.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa niken hoặc coban. Đây là những chất khiến cho bệnh tổ đỉa ngày càng trầm trọng.
- Kết hợp sử dụng kem dưỡng ẩm cho da tay để ngăn ngừa tình trạng khô da.
Tổ đỉa bàn tay là một dạng viêm da mạn tính phổ biến. Bệnh không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại có diễn tiến dai dẳng và có khả năng tái phát theo từng đợt. Do đó, nếu mắc bệnh này, người bệnh cần chủ động thăm khám điều trị y tế và kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để không gây ra các biến chứng.