Lá và nụ của cây vối thường được sử dụng để làm nước uống hàng ngày, giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Không chỉ vậy, lá vối còn được các mẹ dùng làm nước tắm cho trẻ sơ sinh, để chữa các bệnh ngoài da như: hăm da, hăm tã, chốc đầu, ghẻ lở cho con. Bạn đọc hãy cùng khám phá cách tắm lá vối cho trẻ sơ sinh an toàn qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Đặc điểm của cây lá vối
Cây lá vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus. Là loại cây thân gỗ, có chiều cao từ 10 – 15m. Cây ưa với khí hậu nhiệt đới nên đã trở thành loại cây quen thuộc với người dân Việt Nam. Cây thường mọc hoang hoặc được người dân trồng trong vườn nhà.
Lá vối mọc đối, hai mặt lá có màu xanh lục nhạt, phiến lá hình bầu dục, đầu lá nhọn, gốc lá thuôn, mép lá không có răng cưa và không có lông. Hoa vối có màu lục nhạt, quả hình trứng màu tím sậm. Lá và nụ vối thường được sử dụng để đun nước uống hàng ngày, nước vối có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu.
Tác dụng của lá vối
Theo đông y, lá vối có tác dụng làm mát và thanh lọc cơ thể. Chính vì thế, người ta thường sử dụng lá vối đun nước uống hàng ngày nhằm giúp cơ thể đào thải độc tố ra ngoài thông qua đường tiết niệu. Ngoài tác dụng thanh nhiệt giải độc, phụ nữ uống nước lá vối còn giúp lợi sữa, da dẻ hồng hào, giúp hấp thu tốt chất dinh dưỡng khi mang thai, cải thiện tình trạng tiểu đường…
Ngoài ra, lá vối cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh gút, làm tan mỡ máu…
Tắm cho bé bằng nước vối có tác dụng gì?
Lá vối được sử dụng để nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh giúp điều trị các bệnh ngoài da như: mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay, ghẻ lở, sưng tấy da, hăm tã, chốc đầu…
Tuy vậy, vẫn còn đa số mẹ băn khoăn không biết liệu tắm lá vối cho trẻ sơ sinh có hiệu quả không. Theo y học cổ truyền, lá và nụ cây vối có vị tương đối chát, tính mát và không độc.
Theo y học hiện đại, lá vối chứa các thành phần hoạt chất sau:
- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lá vối có chứa kháng sinh tự nhiên như: như Streptococcus, Staphylococcus, Salmonella, Bacillus subtilis… Chính vì vậy, lá vối được coi là một loại thuốc sát khuẩn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và có tác dụng điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt, cải thiện tình trạng hăm da ở trẻ. Ngoài ra, nếu sử dụng lá vối tươi nấu nức gội đầu có thể chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
- Trong lá vối còn chứa ít tanin, alcaloid (thuộc nhóm indolic), và một lượng tinh dầu (4%) giúp kháng khuẩn, bảo vệ niêm mạc da tổn thương…
Nhờ vào những tác dụng kể trên mà các mẹ có thể an tâm sử dụng nước lá vối để tắm cho trẻ sơ sinh. Điều quan trọng là mẹ cần phải sử dụng và tắm cho bé đúng cách để đảm bảo an toàn cho làn da của bé yêu.
Cách tắm cho bé bằng lá vối
Bước 1: Nấu nước tắm
- Lấy một nắm lá vối đem nhặt bỏ lá sâu, lá úa rồi rửa sạch. Để loại bỏ sạch hết vi khuẩn và bụi bẩn trên lá vối, bạn có thể ngâm chúng với nước muối loãng hoặc thuốc tím pha thật loãng.
- Rửa lại lá vối bằng nước sạch, sau đó cho vào nồi nước nấu sôi khoảng 5 – 10 phút.
Bước 2: Chuẩn bị đồ tắm cho con
- Đồ dùng của con: quần, áo, bao tay, bao chân, khăn mặt, khăn tắm, khăn lau người, sữa tắm, kem hăm, dầu tràm… những vật dụng khác cần dùng luôn khi bé tắm xong.
- Một chậu nước trắng ấm để tắm cho bé bằng sữa tắm, một chậu nước lá vối pha ấm và một chậu nước trắng ấm để tráng lại người cho bé.
Bước 3: Tắm cho bé
Đầu tiên, mẹ rửa mặt và gội đầu cho bé rồi cho bé vào chậu nước trắng ấm và tắm cho bé bằng sữa tắm trước. Sau đó, mẹ cho bé sang chậu nước lá vối đã pha loãng, nhiệt độ khoảng 37 – 38 độ C và tắm cho bé bằng nước lá vối.
Mẹ lấy một chiếc khăn mềm lau nhẹ nhàng vào các vị trí: ngấn cổ, nách, bẹn, háng… đây là những vị trí trẻ dễ bị hăm nhất. Chú ý tránh chà xát mạnh làm tổn thương da.
Tắm bằng lá vối xong, mẹ cho con tráng lại người bằng chậu nước ấm đã chuẩn bị trước đó để loại bỏ hoàn toàn cặn bã của lá vối trên người con mẹ nhé.
Sau khi tắm xong, mẹ đặt con vào một chiếc khăn lớn và nhanh chóng lau sạch nước đọng trên người con. Các mẹ vẫn nên bôi kem hăm vào vị trí háng, bẹn để chống hăm cho bé. Mẹ có thể massage nhẹ nhàng, bôi kem dưỡng ẩm da cho bé và dầu tràm vào lòng bàn tay, bàn chân của con để giữ ấm cho bé rồi nhanh chóng mặc quần áo, bao tay, bao chân cho con.
❎ Có thể bạn muốn biết: Bé sơ sinh nên tắm vào thời điểm nào trong ngày?
Những lưu ý khi tắm lá vối cho trẻ sơ sinh
Tắm lá vối cho trẻ sơ sinh là cách được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng giúp con mát da, mát thịt, nhanh hết mụn ngứa, rôm sảy. Để phương pháp mang lại hiệu quả cao, các bạn có thể sử dụng lá vối tươi hoặc đã được phơi khô nấu lấy nước, thế nhưng nước lá vối tươi sẽ có tác dụng tốt hơn. Để mang lại hiệu quả và an toàn nhất khi tắm lá vối cho trẻ sơ sinh, các mẹ nên ghi nhớ một số lưu ý dưới đây:
1/ Sẽ là tốt nhất nếu như mẹ tận dụng được cây vối trồng trong vườn nhà hoặc quanh làng, quanh xóm. Nhưng nếu như không có sẵn, mẹ nên mua lá vối tại những địa chỉ uy tín để đảm bảo lá không có thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, gây hại đến làn da của bé.
2/ Nếu sử dụng lá vối tươi thì dùng đến đâu mẹ hái đến đấy và ngâm nước muối, rửa sạch hết bụi bẩn, loại bỏ vi khuẩn trên lá vối. Còn nếu sử dụng lá vối khô mẹ cần rửa sạch và ngâm kỹ trong nước.
3/ Không nấu nước quá lâu. Đặc biệt là mẹ cần lưu ý không nên nấu nước quá đặc khiến lượng tinh dầu đọng lại gây dị ứng, viêm da cho bé.
4/ Khi tắm cho bé mẹ nên pha loãng nước lá vối. Nước tắm lá vối mẹ không cần thêm bất cứ thứ gì khác như: chanh, muối, sữa tắm… vì có thể khiến cho bé bị xót.
5/ Nên sử dụng nước ấm để tắm cho bé vì nước ấm sẽ giúp lỗ chân lông lở ra và các dưỡng chất mới có thể thẩm thấu được vào da và tăng hiệu quả trị liệu.
6/ Trước khi tắm bằng nước lá vối cho bé, mẹ cần tắm sạch cho con bằng sữa tắm để loại bỏ sạch chất nhờn trên da. Sau khi tắm nước lá vối xong mẹ cần tráng sạch lại người cho con bằng nước trắng để loại bỏ lượng bột lá còn đọng lại trên da, tránh gây kích ứng, nhiễm trùng.
7/ Mẹ không nên tắm cho bé quá lâu vì nước lá vối ngấm sâu vào da cũng không tốt. Và ngâm bé trong nước quá lâu cũng dễ khiến trẻ bị ốm.
8/ Sau khi tắm cho con xong, mẹ vẫn cần sử dụng kem dưỡng ẩm, phấn rôm hoặc kem hăm bôi vào vùng bẹn, đùi sau khi tắm. Giữ vệ sinh sạch sẽ làn da cho bé và chọn những loại quần áo thoáng mát để bé không bị rôm sảy.
9/ Chỉ sử dụng lá vối tắm cho trẻ sau khi rụng rốn.
10/ Mỗi em bé có cơ địa về da khác nhau, do đó nước lá vối sẽ hiệu quả với tùy từng trường hợp. Để đảm bảo chắc chắn nước lá vối lành tính với da bé, mẹ bôi nước tắm lên vùng da tay hoặc chân bé trước khi tắm khoảng 1- 2 tiếng. Nếu không có phản ứng bất thường thì mẹ có thể yên tâm tắm cho bé.
11/ Chỉ nên sử dụng nước lá vối tắm cho bé từ 1 – 2 lần/tuần. Không nên lạm dụng sử dụng nhiều vì cái gì nhiều quá cũng không tốt. Lưu ý, nước lá vối chỉ sử dụng với những trường hợp mắc bệnh ngoài da ở mức độ nhẹ.
Có thể thấy rằng, nước lá vối chỉ sử dụng cho những trẻ bị các bệnh ngoài da ở mức độ nhẹ. Tuyệt đối không sử dụng lá vối làm nước tắm cho trẻ khi tình trạng viêm da đã trở nặng, có dấu hiệu trầy xước, mưng mủ, sưng tấy. Nếu tình trạng viêm da nặng, cần đưa bé gặp bác sĩ để có cách điều trị hiệu quả nhất. Ngoài ra, nếu bạn còn thắc mắc nào liên quan tới các bệnh ngoài da ở trẻ hay chăm sóc trẻ nói chung, hãy vui lòng để lại bình luận bên dưới để các chuyên gia giải đáp sớm nhất nhé!
❎ Xem thêm: 10 loại lá tắm giúp “giải cứu” làn ra mẩn ngứa, rôm mụn của bé